Các điểm nghẽn như cơ chế, quy hoạch, hạ tầng, khoa học-công nghệ… đang được Trung ương, tỉnh Khánh Hòa từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện để Khánh Hòa phát triển kinh tế biển. Khánh Hòa đang trở thành một trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Sau hơn 20 tháng thi công, giữa tháng 6 vừa qua, Dự án thành phần đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chính thức được khánh thành. Tuyến đường này dài gần 50 km cùng với các dự án cao tốc khác tại Nam Trung bộ giúp rút ngắn thời gian khoảng 2 giờ di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ra tỉnh Khánh Hòa. Lượng du khách từ vùng này ra Nha Trang tăng vọt.
Trong khi đó, dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang dài 83 km, kết nối từ đèo Cổ Mã đến điểm nối cao tốc Nha Trang- Cam Lâm cũng đang được nước rút thi công. Dự án đường từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận cũng vừa được Quốc hội phê duyệt. Đây là tuyến giúp kết nối giao thông 2 huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa và 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng giúp hoàn thiện trục giao thông dọc phía Tây, góp phần giúp 2 huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa sớm ra khỏi huyện nghèo.
Cũng trong thời gian này, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài gần 120 km, tổng mức đầu tư hơn 21 ngàn tỷ đồng cũng đã được khởi công. Đây là dự án đặc biệt quan trọng giúp “đánh thức” cả vùng rộng lớn vốn lâu nay khó khăn về giao thông của cả 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Dự án cao tốc là tuyến đường kết nối rừng với biển, đưa Tây Nguyên ra biển nhanh hơn, kết nối hành lang vận tải Đông- Tây tạo chân hàng cho các cảng nước sâu tại Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2025, khi các dự án cao tốc được khánh thành, hệ thống giao thông đường bộ theo các hướng Bắc- Nam, Đông Tây sẽ được kết nối, tạo đà thu hút các dự án lớn.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Dự án thành phần Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, một gói thầu đã triển khai thi công, một gói thầu trong tuần sẽ hoàn thiện nốt để lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện. Song song với đó, đền bù, giải phóng mặt bằng, thị xã Ninh Hòa đang gấp rút, triển khai thu hồi đất, bàn giao cho Chủ đầu tư thi công. Dự án này từ khi được phê duyệt báo cáo khả thi cho đến việc triển khai rất ngắn. Nếu không có vướng mắc, phức tạp sẽ đảm bảo được tiến độ”.
Sau khi có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đến nay, Trung ương phê duyệt 2 Quy hoạch quan trọng là Quy hoạch phát triển tỉnh Khánh Hòa và Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong.
Tháng 4/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh kêu gọi với 22 ngành, lĩnh vực với 137 dự án. Trong đó, UBND tỉnh kêu gọi đầu tư vào dự án "Định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Vân Phong" tại xã Vạn Thắng và xã Vạn Khánh thuộc huyện Vạn Ninh. Sân bay Vân Phong nằm tại phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, cách sân bay Cam Ranh khoảng 130 km.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vân Đồn đầu tư xây dựng và vận hành Cảng hàng không quốc tế Vân Phong, vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết: “Quy hoạch sân bay Vân Phong ở xã Vạn Thắng khoảng 550 héc ta, phần lớn là lấn biển. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, định hình phát triển Vạn Ninh trở thành đô thị biển, hiện đại, cao cấp. Sân bay Vân Phong là một trong những hạ tầng quan trọng để Vạn Ninh trở thành một trong đô thị biển hiện đại, cao cấp. Sân bay được hình thành tới đây ở Vân Phong sẽ hỗ trợ cho việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong”.
Khánh Hòa có đường bờ biển dài hơn 380 km, nhiều đầm, vịnh và cả vùng biển Trường Sa rộng lớn có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng, chế biến hải sản và cả những ngành hiện đại như công nghiệp năng lượng, sinh dược…Tuy vậy, lâu nay, với nhiều hạn chế, người dân chỉ nuôi trồng ven bờ với nhiều bấp bênh, rủi ro vì ô nhiễm, thiên tai. Đến nay, Khánh Hòa đã có những doanh nghiệp lớn, nuôi trồng với quy mô công nghiệp, doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Đây cũng là nơi có nhiều viện, trường nghiên cứu khoa học về biển, về nuôi trồng. Trong các Nghị quyết của Trung ương có nêu rõ phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó có nội dung phát triển kinh tế biển có định hướng phát triển nuôi biển công nghệ cao. Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương để nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ hiện đại liên quan về biển.
Khánh Hòa đang từng bước để tiến ra biển lớn, trước mắt là thí điểm nuôi tại các vùng biển mở, sau đó xa hơn theo hướng công nghiệp để nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành kinh tế lớn. Để làm được điều này, tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể các cơ chế, chính sách, ứng dụng mạnh mẽ khoa học các khâu từ lồng, bè, giống, công nghệ-kỹ thuật nuôi đến bảo quản, chế biến và đầu ra tiêu thụ sản phẩm…Bên cạnh, đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đã hoàn tất việc khảo sát và xây dựng được quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Có quy hoạch, công nghệ, nguồn vốn …người dân sẽ an tâm chuyển đổi, tạo nên sự bền vững trong việc phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Từ thực tiễn của tỉnh Khánh Hòa, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách về mặt tín dụng như cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt bảo hiểm, cũng như tiếp tục tiến tới mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, đưa bà con vào khu vực này. Cộng lại với chính sách khác trong đó có những chính sách đã được Quốc hội thông qua như hỗ trợ áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa nuôi biển phạm vi từ 3 đến 6 hải lý và trên 6 hải lý”./.
Thái Bình/VOV-miền Trung