Xuất khẩu gạo liệu có đánh mất cơ hội vàng?

  • 10/08/2023 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Giá gạo tăng cao là thời cơ vàng để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải dừng thu mua vì giá bị đẩy quá cao, nếu mua vào sẽ bị lỗ. Liệu Việt Nam có để lỡ mất thời điểm vàng trong xuất khẩu gạo?

 

Thời cơ vàng cho gạo Việt

Ngày 20/7/2023, Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, có hiệu lực kể từ ngày ký. Việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo đã tác động đến thị trường gạo toàn cầu.

Trước thông tin này ngay lập tức giá gạo trên thế giới tăng vọt. Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam trước đây có giá 590 USD, nay có doanh nghiệp bán giá 660 USD mỗi tấn, mức kỷ lục từ 2008 tới nay. Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo hiện đã thiết lập mốc kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua. Nhiều người đánh giá đây là cơ hội vàng cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Trần Duy Đông nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn gia tăng mạnh khi vụ hè thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8. Việt Nam cần tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo, tính toán thu mua, khả năng sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.

Nghịch lý của thị trường gạo Việt Nam

Trái ngược với nhận định sáng sủa của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đang “khóc ròng” vì giá lúa gạo tăng quá nhanh. Có một nghịch lý là khi giá xuất khẩu tăng thì giá lúa ở nội địa sẽ tăng tương ứng, thậm chí còn tăng cao hơn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong ký kết hợp đồng mới. Trước đây giá lúa dao động quanh 6000 - 6200 đồng/kg, hiện lúa trong nước đang được bán với giá bình quân 7.000 -  7.500 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải 700 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi. Một thương nhân buôn bán nhỏ ở Hậu Giang cho hay, ở Hậu Giang mỗi ngày giá lúa tươi tăng 200 - 300đồng/kg mà mua dân không chịu bán, còn thương lái tranh nhau mua.

Tại thị trường bán lẻ trong nước, giá gạo ở các siêu thị và chợ dân sinh cũng đã tăng mạnh trong 2 tuần qua. Theo anh H một chủ đại lý gạo ở chợ Thái Thịnh, quận Đống Đa, giá các loại gạo đều tăng chóng mặt, kể cả gạo thường lẫn gạo ngon như ST25 và Đài thơm. Giá gạo nhập ở thời điểm hiện tại đã tăng từ 10-15% so với 1-2 tuần trước.Thậm chí giá gạo bán lẻ tăng 15.000-20.000 đồng/bao chỉ sau một ngày.

Một doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo chia sẻ, giá gạo tăng, khách hàng đặt vấn đề đàm phán mua gạo nhiều hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới vì lượng đơn hàng đã ký trước đó còn nhiều. Giá gạo thị trường nội địa tăng cao, doanh nghiệp đã cạn hàng trong kho nhưng không dám mua trữ sợ lỗ.  Hiện doanh nghiệp chỉ mua đủ để giao trả các đơn hàng xuất khẩu đã ký từ trước.

Đại diện Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, công ty phải đóng cửa kho, tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới. "Chúng tôi đang phải “vét kho” để trả đơn hàng đã ký trước đó. Bây giờ nếu mình ký tiếp, trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay, thì rủi ro rất lớn".

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc Công ty CP gạo Ông Thọ cho biết, hiện đang rất khó thu mua lúa. “Giá tăng nên doanh nghiệp bị bể kèo suốt. Mua buổi sáng chốt chuyển cọc, chiều tăng giá mà ghe chưa tới chở thì bị trả cọc luôn. Công ty tôi vừa rồi thu mua lúa nhưng chỉ mua được 1/2 số lượng cần mua. Hợp đồng ký trước mà tồn kho không đủ thì phải mua thêm với giá mới dễ lỗ. Hôm nay giá gạo cao nên công ty tôi đã ngưng mua, còn hàng gì bán hàng đó. Từ lúa ra gạo thời gian lâu nên công ty không dám mạo hiểm. Hy vọng là thị trường sớm ổn định giá để mua bán dễ”, bà Thảo cho hay.

Bà Thảo phân tích, thường doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thu mua gạo trong nước trước 50 - 60% chứ không ký hợp đồng 100% nên khi Ấn độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu làm gạo trong nước tăng cao thì doanh nghiệp phải thu mua với giá cao hơn. Trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký thì bắt buộc phải giao hàng với giá đã ký trước đó. Bên cạnh đó, không biết khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo nên đa số không dám mạo hiểm ký hợp đồng.

Trước tình hình giá gạo tăng “nóng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi, đẩy giá lúa gạo lên cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận