Việt Nam quản lý mỹ phẩm nhập khẩu như thế nào khi đứng đầu ASEAN về 'nhập siêu'?

Đứng đầu ASEAN về 'nhập siêu' mỹ phẩm cho thấy, Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút với các mặt hàng làm đẹp.

 

Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút.

Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở Văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất.

Mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đa số từ các nước khu vực châu Á (chủ yếu là khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á), có xu hướng ngày càng tăng cao. Doanh số bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%.

Tại hội thảo “Thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng chính sách quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị liên quan, từ hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc đến các hội, chi hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam… tập trung thảo luận, đề xuất tới cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy định quản lý mỹ phẩm; thảo luận định hướng về chính sách quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu cụ thể 3 nội dung chính sách lớn trong quản lý mỹ phẩm cần xây dựng và hoàn thiện. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo bảo thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.

Thứ hai, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ ba, để nâng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước tiến tới xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP- Asean về mỹ phẩm và quy định lộ trình thực hiện.

Bên cạnh việc đứng đầu ASEAN về nhập siêu mỹ phẩm, Việt Nam còn đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về giá trị xuất khẩu mỹ phẩm. Với các dạng sản phẩm mỹ phẩm xuất khẩu đa dạng, chủ yếu là nhóm sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm cho tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân… Trong đó, có những sản phẩm phân khúc thị trường cao cấp như nước hoa (2%), trang điểm (3%).

TS Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Mỹ Phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)

TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề xuất tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Năm 2012-2022, Cục QLD đã kiểm tra hậu mại 309 công ty sản xuất mỹ phẩm trong nước và nhập khẩu mỹ phẩm, thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm, đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

“Căn cứ kết quả cập nhật kết quả cuộc họp Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN, Cục QLD ban hành quyết định thu hồi tổng số 118 số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu. Cục Quản lý Dược đã ban hành các Quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 39 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu các SYT đã kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mỹ phẩm vi phạm, xử phạt tổng số hơn 1 tỷ đồng...”, TS. Chu Quốc Thịnh cho biết.

Cục Quản lý Dược đề xuất bổ sung quy định cụ thể đối với việc chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố trực tuyến, trường hợp kê khai không trung thực, giả mạo giấy tờ, con dấu, giấy tờ pháp lý có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa… và xử lý vi phạm; Giám sát việc quảng cáo vượt quá tính năng mỹ phẩm và kinh doanh mỹ phẩm online, dễ gây hiểu lầm là thuốc…/.

Lê Hoàng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận