Giảm thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng, lấy đà tăng trưởng

Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này.

 

Nếu được thông qua, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đây được xem là động thái tạo cú huých lớn cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm nay.

Năm 2022, khi giảm thuế theo Nghị quyết số 43 năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) không giảm mà còn tăng hơn 400.000 tỷ đồng so với số dự toán và tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Việc giảm thuế đã có tác dụng kích cầu tiêu dùng, từ đó thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng như người dân đánh giá cao khi thuế giá trị gia tăng tiếp tục được đề xuất giảm trong năm 2023.

Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực Miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) - cho biết: "Năm 2022 chúng ta đã thực hiện, có một hiệu ứng khá tích cực là người tiêu dùng nhận được các sản phẩm giá tốt hơn trong tình hình kinh tế khó khăn.

Thứ hai là nhà sản xuất cũng có một phần để cho việc tiêu thụ mạnh hơn. Saigon Co.op cũng điều chỉnh giá, làm sao tất cả các sản phẩm cũng điều chỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, với những hoạt động đó thì người tiêu dùng cảm nhận được giá cả tiêu dùng đang được sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, việc này tác động qua lại thì lượng bán và doanh thu tăng trưởng hơn".

Nếu giảm thuế VAT, người tiêu dùng nhận được các sản phẩm giá tốt hơn trong tình hình kinh tế khó khăn.

Trong giai đoạn thấp điểm mua sắm, thị trường vẫn được đánh giá là còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Giảm chi phí, tăng khuyến mại, đa dạng các mô hình bán lẻ… là giải pháp để khơi dậy thị trường hàng hoá mà doanh nghiệp đang hướng tới. Với chiến lược mới của doanh nghiệp, cùng đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu nửa cuối năm sẽ cải thiện.

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! Khu vực miền Bắc cho biết: "Đấy là một việc rất thiết thực. Mỗi một ngày khách hàng có thể mua hàng không nhiều nhưng cộng dồn trong tháng, khách hàng mua khối lượng lớn, như vậy thì 2% giảm thuế sẽ là một phần tiết kiệm thêm cho khách hàng; Và nhờ vậy thì khách hàng sẽ yên tâm mua sắm, không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập".

Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% sẽ thúc đẩy tiêu dùng thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Thạc sĩ Vũ Xuân Trường, Giảng viên - chuyên gia thương hiệu, Khoa Marketing, Đại học Thương mại - nhận định: "Giảm thuế VAT còn 8% sẽ thúc đẩy động lực sản xuất cho những doanh nghiệp, đấy là một yếu tố từ phía nguồn cung. Yếu tố thứ hai thì rõ ràng là khi mà giá giảm đi thì người tiêu dùng sẽ có động lực tốt hơn. Người tiêu dùng có mong muốn sử dụng nhiều sản phẩm, từ yếu tố này thì sản phẩm cung ứng ra thị trường, của doanh nghiệp, của các tổ chức có giá hợp lý, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Khi giảm thuế, các doanh nghiệp sẽ phải rà soát lại, tính toán lại giá thành của sản phẩm.

Đặc biệt đây là một chủ trương phù hợp với bối cảnh sau đại dịch, chúng ta đều thấy rằng, bản thân những người tiêu dùng và cộng đồng thắt chặt chi tiêu và khi họ thắt chặt chi tiêu thì họ sẽ phải chú ý đến chuyện là phải lựa chọn những sản phẩm nào mà hợp lý với túi tiền".

Giảm 2% thuế GTGT sẽ có tác động rộng rãi đến tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực đến người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chính sách này được triển khai hiệu quả nhất.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng: "Khi giảm thuế. các doanh nghiệp sẽ phải rà soát lại, tính toán lại giá thành của sản phẩm. Khi giá đưa ra phải được giảm tương ứng với 2% mà thuế VAT giảm".

Văn phòng Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm 2% thuế VAT (từ 10% về 8%) để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng có chiều hướng suy giảm. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế VAT, vì nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm nay thì chưa đủ để chính sách đi vào cuộc sống./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận