Đại biểu Quốc hội cho rằng, phân loại đất đai là câu chuyện không hề đơn giản nhưng trong dự thảo luật cũng chưa quy định rõ ràng về vấn đề này, nếu không làm rõ những nội dung rất cơ bản này, các quy định liên quan sẽ lung tung hết.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại tổ sáng 9/6, Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng đất quốc phòng - an ninh do nhà nước sử dụng, dự án kinh tế xã hội lớn do nhà nước sử dụng, nên quy định về thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh cần đánh giá, nghiên cứu, phân biệt một cách rạch ròi.
Theo phân tích của ông Thắng, trong đất quốc phòng có đất dành cho mục đích quốc phòng - an ninh nhưng cũng có loại đất quốc phòng có tính chất lưỡng dụng chưa có quy định xử lý. Rất có thể có những công trình dân sự vào thời bình nhưng lại có thể trở thành công trình quân sự vào tình trạng chiến tranh. Hơn nữa, hiện nay đất do lực lượng quốc phòng an ninh sử dụng nhưng lại phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội khá nhiều nên cần rà soát làm rõ.
“Nếu không rạch ròi thực trạng này rất dễ xảy ra chuyện lạm dụng, và đã từng có việc xử lý liên quan đến đất đai quốc phòng an ninh có liên quan đến vấn đề này”, Đại biểu Thắng nêu.
Ngoài ra, Đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng nêu câu hỏi về phương pháp xác định đất công, trong trường hợp nếu là đất tôn giáo và đất được sử dụng công có được coi là đất công, hay 1 tổ chức nào đó nếu không phải tổ chức công lập, có sở hữu đất đai vẫn không phải là đất công.
“Đất tôn giáo cũng chia hai loại là đất thờ tự và còn có cả đất đai phục vụ dưới hình thức kinh doanh văn hóa tâm linh. Hiện nay đây là câu chuyện không hề đơn giản nhưng trong dự thảo luật cũng chưa quy định rõ ràng về vấn đề này. Nếu không làm rõ những nội dung rất cơ bản này, các quy định liên quan sẽ lung tung hết”, Đại biểu Thắng đề nghị có quy định rõ.
Cho rằng dự thảo nêu "định giá đất theo nguyên tắc thị trường", nhưng như vậy là chưa đủ, vì chúng ta là “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", không phải cái gì cũng theo thị trường. Ông Thắng đề nghị tùy thuộc vào từng loại đất cụ thể để có cơ chế định giá một cách khoa học, minh bạch.
Cơ sở định giá đất trong dự thảo cũng được Đại biểu Thắng đề cập với nhiều nội dung, như mặt bằng giá theo thời điểm, điều kiện địa phương, khu vực; đất có hạ tầng. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, giá đất nếu hiểu theo nghĩa thông thường để ở cần khác với giá của đất gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi phương án sản xuất kinh doanh cũng liên quan rất mật thiết đến giá đất.
"Người ta suy nghĩ đến việc có hay không sự đầu tư giá đất. Nên định giá đất cần dựa trên một hệ số điều chỉnh thế nào để phù hợp với thực tiễn", ông Thắng nêu quan điểm và đề xuất hệ số điều chỉnh này phải đáp ứng tiêu chí ổn định, tránh hôm nay ra một giá, hôm sau định giá khác khién nhà đầu tư không yên tâm.
Kiến nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Thắng cho rằng dự thảo cần đưa ra phương pháp định giá đất, đảm bảo tính ổn định tương đối trong một thời gian nhất định để DN, người dân có thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu DN nào không sản xuất kinh doanh mà có tư tưởng đầu cơ cần cương quyết thu hồi.
Đối với Hội đồng thẩm định giá, ông Thắng cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước - tức người sử dụng đất lại nằm trong thành phần Hội đồng thẩm định giá đất. "Việc này không thể khách quan được. Còn đối với chuyên gia trong Hội đồng này, ông đề nghị nêu rõ chuyên gia lĩnh vực nào, chuyên môn nào, đáp ứng điều kiện tiêu chí nào để được tuyển chọn vào Hội đồng.
Cho rằng quy định bồi thường về đất cần được nghiên cứu thận trọng, ông Thắng cho biết quỹ đất hiện nay còn rất hạn chế để có thể bồi thường. Do đó, công tác bồi thường phải đảm bảo cho người dân đủ điều kiện sinh sống, làm ăn sau khi bị thu hồi. “Có thể đền bù bằng tiền, quỹ nhà ở hoặc hình thức khác. Nếu thu hồi và bồi thường bằng đất, để người dân hiểu là thu đất và trả bằng đất sẽ rất nguy hiểm", ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng lưu ý./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN