Đã có 59/85 dự án NLTT chưa có giá gửi hồ sơ
Đến 17h30 ngày 29/5, đã có 59/85 dự án NLTT chưa có giá gửi hồ sơ. Trong đó, 43 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 40/43 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp đề xuất giá tạm.
Hiện có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) một phần nhà máy/toàn nhà máy, với tổng công suất 216,22MW. Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy/toàn nhà máy đã thực hiện COD từ trước năm 2021 (chưa có giá điện).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với toàn bộ 40/43 chủ đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm.
Liên tiếp ra văn bản tháo gỡ khó khăn
Trong 2 ngày 24 – 25/5, Bộ Công Thương liên tiếp ra hai văn bản gửi EVN và các địa phương yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn trong đàm phán, huy động các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Tại các văn bản này, Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, EVN, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng trong đàm phán giá tạm để sớm đưa nhà máy điện chuyển tiếp đi vào vận hành trong giai đoạn đàm phán, thống nhất giá điện chính thức giữa Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương giao EVN khẩn trương đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới theo chỉ đạo. Việc này được thực hiện với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.
Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới. Những nhà máy điện còn lại, EVN được giao khẩn trương thỏa thuận giá tạm với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt, tiến hành đồng thời các việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
“Đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”, văn bảo của Bộ Công Thương nêu.
Đại diện EVN khẳng định EVN luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định, để quá trình làm việc, đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra khẩn trương nhất có thể. EVN sẵn sàng làm việc kể cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Tuy nhiên, theo EVN, một số dự án hiện còn nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý. Hầu hết các dự án là chưa hoàn thiện, thiếu các thủ tục pháp lya khác nhau, trong đó khó khăn, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến đất đai để thực hiện dự án.
Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thiện các vấn đề pháp lý, không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật thì EVN rất khó huy động điện từ các dự án này vì như vậy là vi phạm quy định pháp luật.