36 nhà máy điện chuyển tiếp đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá

Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời.

 

Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán; 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2023.

Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 26/5, đã có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện tạm thời đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện vẫn còn 33/85 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Trong số 52 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN, đã có 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm thời bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82MW. 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2023.

“Có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được. Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thoả thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của DN", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Hiện vẫn còn 33/85 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện tạm thời.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời, cho vận hành phát điện lên lưới, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN, như thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 5/6; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định trước ngày 10/6 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm, xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.

Đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), quy định tại Luật Điện lực cho thấy, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, đã có 13 nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trong đó 12 nhà máy điện được cấp với toàn bộ công suất theo quy hoạch, 1 nhà máy điện gió mới được cấp giấy phép 1 phần.

“Có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió và 1 dự án điện mặt trời). Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp có thể thấy, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền”, ông Hòa nêu thực tế.

Ông Hòa cũng thông tin, việc thoả thuận giá tạm và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa, thực hiện đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các dự án trước pháp luật. Điều này đã được Bộ Công Thương thông tin và có hướng dẫn.

Cụ thể, theo quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch phát triển điện lực; thiết kế và xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; đáp ứng điều kiện về nhân lực đối với đội ngũ quản lý kỹ thuật, vận hành… Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương.

"Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn chia sẻ và đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Quốc gia cần sự chung tay của chính quyền, DN trên tinh thần thượng tôn pháp luật", đại diện Cục Điều tiết điện lực khẳng định./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận