Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện

  • 22/05/2023 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.

 

Nhiều giải pháp đưa ra để đảm bảo cung ứng điện

Thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao; cộng với tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, tính đến ngày 11/5/2023, khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện). Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy. Đặc biệt, từ cuối tháng Tư đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt, trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng. Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 06/5 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 14,7% so với cùng kỳ (tháng 5/2022); công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,2% so với cùng kỳ (tháng 5/2022).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ phát động

Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Bên cạnh việc quyết liệt thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới”.

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung như đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

 Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185 ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 20 ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tiết kiệm điện đã đề ra.

Phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng/năm

Theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tính đến thời điểm này của năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do những biến động chung của nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hết sức nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đây cũng là một năm rất khó khăn đối với cả nước cũng như đối với ngành Điện. Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, trong đó Tập đoàn đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2011 đến 2019, nhu cầu năng lượng đã tăng trung bình khoảng 7%/năm, đặc biệt là nhu cầu điện được ghi nhận tăng trưởng trung bình 10,5%. Trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu năng lượng tăng trưởng chậm lại, ở mức trên 2%/năm. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch sẽ làm nhu cầu sử dụng năng lượng tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới, dự báo nhu cầu điện sẽ vẫn tăng cao ở mức trung bình khoảng 8,5% trong những năm tiếp theo.

Vì vậy, song song với việc khai thác, nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tiết kiệm điện năng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia. 

Thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2013 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận