Đề xuất tính chu kỳ đăng kiểm ô tô theo km: Chuyên gia lo ngại gian lận

Chuyên gia vận tải bày tỏ việc lo ngại việc chủ xe có thể sử dụng công nghệ "tua" km trên đồng hồ xe để gian lận về số km khi tính chu kỳ đăng kiểm.

 

Bộ Giao thông Vận tải mới đây yêu cầu Cục Đăng kiểm lấy ý kiến chuyên gia về việc nên đăng kiểm ô tô theo thời gian hay theo số km sau những "lùm xùm" về đăng kiểm hiện nay.

Thực tế, việc đăng kiểm xe theo chu kỳ thời gian đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo chuyên gia, áp dụng phương pháp tính chu kỳ đăng kiểm ô tô theo km thay cho theo thời gian không phải là điều đơn giản.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giải pháp kiểm định theo số km đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý vì chủ xe có thể dùng công nghệ để can thiệp số km thực tế.

Thủ thuật tua công-tơ-mét trên xe không có gì khó và được áp dụng phổ biến hiện nay tại nhiều gara sửa chữa ô tô”, ông Quyền chia sẻ, đồng thời cho rằng “trước mắt vẫn nên thực hiện việc đăng kiểm theo chu kỳ thời gian”.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, muốn áp dụng phương pháp này thì cần phải có giải pháp quản lý số km được báo trên đồng hồ xe một cách thực chất, chính xác.

Chúng ta đã có có đủ nền tảng công nghệ để nhận biết xe ô tô “gian lận” về số km hay chưa? Và khi đã phát hiện ra việc gian lận đó thì cần có chế tài xử lý như thế nào?”, chuyên gia vận tải tiếp tục đặt câu hỏi. Ông cũng cho biết, cơ quan quản lý cần sử dụng các giải pháp hiện đại thì mới quản lý được việc đăng kiểm ô tô theo chu kỳ km.

Cũng theo ông Quyền, kể cả khi áp dụng việc đăng kiểm theo chu kỳ km thì cũng cần tính toán đến khả năng “xe để lâu không đi”. Có thể chỉ số km trên xe không tăng lên nhiều nhưng do để lâu, các bộ phận thiết bị khác trên xe sẽ bị hao mòn, hư hỏng. Trong trường hợp này thì cần đăng kiểm như thế nào cũng là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Ai cũng biết quản lý xe theo km là đúng nhưng làm sao để quản lý cho chính xác, khoa học, công bằng lại là cả một vấn đề lớn. Nếu kiểm định theo km thì xe cá nhân, gia đình được lợi. Bởi xe gia đình hay cá nhân chỉ phục vụ cho nhu cầu riêng thì hoạt động đi lại rất ít so với xe kinh doanh. Lâu nay, việc cào bằng kiểm định theo thời gian đã khiến xe cá nhân thiệt thòi khá nhiều. Vì thế ai cũng hiểu là đã đến lúc cần tiến hành kiểm định xe dựa trên số km thực tế để phân loại đối xe hoạt động trong phạm vi hẹp, ít sử dụng. Nhưng để quản lý được thực chất, phụ tùng, máy móc thì cũng cần được đánh giá kỹ”, chuyên gia vận tải nêu.

Chuyên gia cho rằng, bất cập trong công tác kiểm định đã có dấu hiệu từ lâu, các cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy việc cào bằng số km giữa xe chạy ít với xe chạy nhiều. Vì thế dẫn đến xe hoạt động chênh lệch nhau rất lớn về số km nhưng đến cùng một kỳ hạn lại phải đi kiểm định cùng nhau. Điều này không chỉ gây lãng phí cho chủ xe mà còn lãng phí cho toàn xã hội. “Biết là vậy nhưng làm thế nào để quản lý cho chính xác thì cũng cần nghiên cứu kỹ”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh.

Ô tô xếp hàng dài chờ đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm của Hà Nội ngày 13/3. (Ảnh: Văn Chương)

Trước tình trạng quá tải ở các đơn vị kiểm định trong thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng, để tránh vấn đề này thì xe công ty, xe của các cơ quan cần được chuyển qua các trung tâm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để quản lý đăng kiểm. Về vấn đề này, theo ông Quyền, hoạt động kiểm định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trang thiết bị, dây chuyền khác nhau, không trùng khớp hoàn toàn với dây chuyền kiểm định của Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, nếu để hoạt động kiểm định được đưa qua các cơ quan đó, cần có quá trình đàm phán điều chỉnh khá phức tạp. Hệ thống phần mềm quản lý chung toàn quốc cũng chưa kết nối với nhau. Vì vậy, trước mắt cần đồng bộ hệ thống quản lý. Mà điều này lại cần nhiều thời gian và công sức.

Liên quan đến đề xuất tính chu kỳ kiểm định xe cơ giới theo số km xe chạy, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ./.

ĐÀO BÍCH/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận