Các gói vay dành cho công nhân vẫn 'nằm trên giấy'

Nhiều ý kiến tại TP.HCM mong muốn được tiếp cận các gói vay của Chính phủ để mua nhà, tiêu dùng vì các gói vay dành cho công nhân hiện vẫn 'nằm trên giấy'...

 

Vừa qua, NHNN vừa đưa ra mức lãi suất và quy định cụ thể về đối tượng được vay theo gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Nhiều ý kiến tại TP.HCM mong muốn được tiếp cận các gói vay của Chính phủ để mua nhà, tiêu dùng vì đến nay những gói vay thiết cho người lao động thì vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Mòn mỏi chờ, gói vay “nằm trên giấy”

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành gói vay 120.000 tỷ để người thu nhập thấp có thể mua nhà ở xã hội, công nhân lao động rất phấn khởi. Song, đến thời điểm này, không chỉ là cán bộ công đoàn mà công nhân cũng chưa tiếp cận được.

Bà Vân giải thích, hiện 4 ngân hàng có vốn Nhà nước được thực hiện gói vay không có chương trình triển khai đến các tổ chức công đoàn, để công đoàn triển khai xuống người lao động. Sau khi công đoàn làm việc với ngân hàng thì được yêu cầu là công nhân phải ra trực tiếp mới thực hiện được.

Công nhân lao động mong chờ các gói vay để mua nhà và tiêu dùng khi khó khăn. (Ảnh: Kim Dung)Tuy nhiên, đặc thù của công nhân là đi làm từ thứ 2 đến thứ 7, xin nghỉ không dễ dàng. Việc nghỉ làm nhiều lần để ra ngân hàng khiến công nhân có thể vừa bị trừ tiền lương vừa bị trừ điểm chuyên cần, mà thậm chí đi rất nhiều lần cũng chưa chắc đã làm được. Bên cạnh đó, trình độ công nhân cũng có sự khác nhau, do đó cần có biện pháp để họ tiếp cận được với gói vay một cách đơn giản và dễ dàng hơn.

Cũng theo bà Vân, gói vay này không phù hợp với công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp. Bởi vì 70% công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp là dân nhập cư, phải thuê nhà trọ. Do đó, điều kiện để họ có đủ 50% trả trước để mua nhà ở là điều không thể. Tiếp nữa, 50% còn lại cho vay với lãi suất 8,2% thì không phải là thấp đối với thu nhập của công nhân. Do đó trước mắt, cần nhất cho công nhân lao động là nhà lưu trú, nhà cho thuê giá rẻ hơn là gói cho vay mua nhà như trên.

Một gói vay khác nữa cũng “nằm trên giấy”, theo bà Vũ Thế Vân là gói 20.000 tỷ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi ký kết triển khai thì thực tiễn vẫn chưa được tiếp cận.

“Hai ngân hàng được ủy quyền gói vay này với mức vay từ 3 tháng đến 3 năm, với số tiền vay tối đa được 70 triệu đồng. Nhưng làm cách nào để công nhân tiếp cận được gói vay, nếu như không thông qua tổ chức công đoàn, nếu để các ngân hàng tự triển khai không biết là gói vay này có đến được với đối tượng công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp hay không”, bà Vân quan ngại.

Linh hoạt chính sách về nhà ở, nhà trọ cho công nhân

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc xây nhà giá rẻ, nhà ở xã hội là nhu cầu của công nhân lao động. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy nhu cầu về nhà lưu trú, nhà cho thuê là chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Ông Mãi cũng cho biết, trong chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, TP.HCM được Chính phủ giao 69.000 căn, nhưng trong năm 2022, chương trình phát triển nhà ở của thành phố đã đề ra trước đó là 83.000 căn. Do đó, sau khi được giao chỉ tiêu, TP.HCM vẫn giữ nguyên 83.000 căn nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Thành phố sẽ chú ý lại đối tượng tiếp cận với nhà ở xã hội này để nhiều người có được nhà ở. Cùng với đó, thành phố đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để làm sao phát triển nhà lưu trú công nhân, các chính sách để hỗ trợ về nhà trọ.

“TP.HCM sẽ rà soát lại các quỹ đất, tính toán lại quy hoạch để làm sao ở gần những khu công nghiệp, nơi có đông công nhân và nơi có đông người có nhu cầu sẽ phát triển nhà ở. Thành phố sẽ phát triển nhà ở nhiều thể loại, có thể là những nhà phát triển theo kiểu tiền chế nhưng đảm bảo được chất lượng, phục vụ trong chừng 10 - 20 năm, khi hết nhu cầu sẽ di dời”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, đối với các gói tín dụng cho công nhân vay, lãnh đạo TP đã làm việc với các ngân hàng, thúc giục công khai các điều kiện, thủ tục để người lao động tiếp cận được, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo thành phố đề nghị các ngân hàng có chính sách cho vay tiêu dùng để giải quyết nhu cầu trước mắt, hạn chế tình trạng tìm đến tín dụng đen. Đồng thời tạo điều kiện cho những người có thu nhập tương đối được vay để mua nhà./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận