Bộ trưởng Bộ Tài chính đốc thúc 4 địa phương 'có tiền không tiêu được'

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo 4 tỉnh (Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương) rà soát dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân...

 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ Công tác số 5 vừa ký văn bản đề nghị 4 địa phương gồm Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương có biện pháp đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công khi các địa phương lần lượt vào top "có tiền không tiêu được"...

4 địa phương "không tiêu được tiền" đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện trong 4 địa phương là Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương còn có 3 địa phương Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023. Đối với vốn ngân sách địa phương, tỉnh Gia Lai mới phân bổ vốn ngân sách địa phương đạt 91,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tình hình giải ngân của 4 địa phương Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, tính đến ngày 31/3/2023 được 2.791 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 4 tháng năm 2023 giải ngân được 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Đắk Nông đạt 18,61%; Gia Lai 13,82%; Đồng Nai đạt 12,57% và Bình Dương đạt 14,64%.

Các địa phương đều có dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Cụ thể, tỉnh Đắk Nông 36 dự án; tỉnh Gia Lai 21 dự án; tỉnh Đồng Nai 9 dự án; tỉnh Bình Dương 21 dự án.

Theo báo cáo của địa phương, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chưa cao liên quan đến khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện. Đơn cử, đối với vấn đề cơ chế, chính sách…

Tuy nhiên, qua kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, Bộ Tài chính chỉ ra, chậm giải ngân vốn đầu tư công một phần do phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công. Ngay từ đầu năm, địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc tiêu trí bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Tài chính đã có ý kiến về công tác phân bổ kế hoạch đầu tư công gửi các địa phương.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trong một lần kiểm tra tại địa phương. (Ảnh : BTC)Thực hiện "thanh toán trước, kiểm soát sau" để giải ngân

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo địa phương phải đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0). Từ đó, phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn. Khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được giao. Nhập đủ, kịp thời kế hoạch vốn của từng dự án trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đối với số phân bổ chi tiết đủ điều kiện thanh toán theo quy định.

“Địa phương cần kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án ngay từ những tháng đầu năm. Kịp thời, chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Cụ thể: chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu.

Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt…

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, các địa phương thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức "kiểm soát trước, thanh toán sau" theo quy định, các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức "thanh toán trước, kiểm soát sau" đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ./.

Cẩm Tú/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận