Khó tăng giá trị xuất khẩu nông sản khi thiếu vốn và chính sách

Để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới, vai trò của DN là cực kỳ quan trọng, chính vì vậy cần có những chính sách để hỗ trợ các DN nông nghiệp.

 

Theo thống kê 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của nước ta ước đạt hơn 11 tỷ USD, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản và lâm sản đều suy giảm hơn 20% về mặt giá trị.

Dự báo từ nay đến cuối năm xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng ở một số nước suy giảm. Vậy cần có những giải pháp nào để khắc phục và gia tăng giá trị cho xuất khẩu nông sản trong thời gian tới?

Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2022 của nước ta đã có mức tăng trưởng khả quan. Tuy vậy bước sang năm nay giá trị xuất khẩu nông sản đã có sự suy giảm đáng kể của nhiều mặt hàng chủ lực. Cụ thể xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm đạt 1,85 tỷ USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Các DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Thuận Phước. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản)

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, thời gian qua, các đơn hàng xuất đi EU, Nhật Bản đã giảm đã giảm 30% do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao, các DN bị hạn chế vay vốn nên chỉ ở mức duy trì hoạt động kinh doanh

“Hiện nay các DN cũng phải tự mình phát huy thế mạnh, tìm những con đường để duy trì lực lượng công nhân, duy trì mối quan hệ với khách hàng, chấp nhận giảm sút về doanh số, lợi nhuận và phải chờ thời cơ. Bởi vì có những vấn đề khó khăn không phải đến từ DN, Chính phủ mình mà đến từ toàn thế giới”, ông Lĩnh bày tỏ.

Trước thực trạng DN nông nghiệp gặp khó khi vay vốn, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia về tài chính ngân hàng cho rằng, cần có những đột phá mới về chính sách tín dụng cho nông nghiệp. Nhà nước cần có các chính sách mới khuyến khích và tạo điều kiện cho DN, các HTX hoạt động trong nông nghiệp vay vốn để duy trì và phát triển sản xuất.   

“Chính phủ phải có những nguồn vốn để hỗ trợ nông nghiệp và nông dân với lãi xuất thấp hơn. Với Ngân hàng Nhà nước cần phải có phương thức cho vay không thế chấp, nhưng dựa vào dòng tiền và làm sao để các ngân hàng kiểm soát được dòng tiền. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ cấp nhiều giấy phép hơn cho những địa chỉ cho vay nông nghiệp mạnh mẽ”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề đạt.

Xe nông sản xếp hàng chờ thông quan sang Trung Quốc.Trong 3 tháng qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm hơn 21% thị phần). Đứng thứ 2 là Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18 % thị phần ); thứ 3 là Nhật Bản và thứ 4 là Hàn Quốc.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong xuất khẩu nông sản hiện nay cần phải thấy rõ yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu rất quan trọng. Các DN cần nắm rõ thông tin về các thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước, nhu cầu của nhà nhập khẩu và yêu cầu kỹ thuật của họ. Giải pháp cho vấn đề này chính là việc các DN cần chủ động liên kết, sinh hoạt trong các tổ chức hội, hiệp hội, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến hương mại và quảng bá sản phẩm.

“Các DN FDI chỉ được giảm về thuế nhập khẩu và cái đấy chúng ta nhìn thấy rất rõ. Nhưng đặc biệt với nông nghiệp, thuế chưa nói lên câu chuyện nên đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật mới là cái cốt yếu. Ví dụ với thị trường Australia, Việt Nam đàm phán mở cửa thị trường thanh long, vải thiều không phải đàm phán về thuế mà để họ chấp nhận cho chúng ta đưa sản phẩm vào. Khi mở cửa thị trường, cần lưu ý về kỹ thuật về an toàn kiểm dịch trong nông nghiệp là vấn đề cốt yếu”, ông Hải chỉ rõ.  

Trong sự suy giảm về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của quý I vừa qua, vẫn có một số ngành hàng có mức tăng trưởng khá tốt. Cụ thể xuất khẩu gạo, rau quả, hạt điều, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt đều có mức tăng trưởng khả quan. Trong đó, giá trị xuất khẩu gạo tăng 9%, chăn nuôi tăng 46%, rau quả tăng 10% và hạt điều tăng 14%.

Ông Đặng Kim Sơn - Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp. (Ảnh: NĐH)

Ông Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, cần thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa DN với DN, DN với nông dân thông qua các tổ chức hội, các HTX. Từ đây mới hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu nông sản. Luật HTX sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua tới đây cần được thực thi hiệu quả để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển trong thời gian tới.

“Chuyện này không phải DN làm mà phải hợp tác với nông dân, đây là điều cần phải thay đổi. Thư hai nữa là với 9 - 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, nếu không phát triển kinh tế hợp tác sẽ không có đột phá DN, không xây dựng được cũng như không tham gia được vào chuỗi giá trị”, ông Đặng Kim Sơn nêu.

Tận dụng và phát huy các lợi thế từ những thỏa thuận thương mại đã ký kết, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường nhập khẩu chính là các giải pháp để giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới. Muốn làm được điều này, vai trò của DN là cực kỳ quan trọng, chính vì vậy cần có những chính sách để hỗ trợ các DN nông nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay./.

Tuấn Phong/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận