Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt

DN Việt cần theo xu hướng kinh doanh bền vững để nâng cao khả năng cạnh tranh và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu.

ESG là viết tắt của ba cụm từ: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là các tiêu chí đánh giá sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ dựa trên kết quả tài chính mà còn dựa trên các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị công ty. Thực hiện ESG hiện đang được xem là chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp nắm bắt nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, kinh doanh bền vững thông qua áp dụng thực hành ESG vẫn còn khá mới mẻ với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp mất đi lợi thế khi cạnh tranh vốn có với các đối thủ nước ngoài do chậm thực hiện các tiêu chí kinh doanh bền vững ESG. Ông Vũ Chí Công, Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, ngành da giày Việt Nam trong thời gian vừa qua mất rất nhiều hợp đồng sang tay của các nhà sản xuất Bangladesh chỉ vì nhiều doanh nghiệp Bangladesh đi trước Việt Nam trong việc triển khai ESG.

“Thị trường, bao gồm nhà đầu tư, các đối tác và khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn. Khi các doanh nghiệp thấy đối tác của mình không triển khai ESG một cách tốt nhất sẽ tạo những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Vũ Chí Công nói.

Thêm vào đó, nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), theo ông Vũ Chí Công, tiếp tục là nguồn vốn thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới, đều có những ràng buộc nghiêm ngặt trong khuôn khổ ESG. Để các doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn này cũng như các dự án có thể đi vào triển khai, ngoài những quy định tại nước sở tại, ESG tại doanh nghiệp cũng phải được tuân thủ rõ ràng.

“Cụ thể, như trường hợp LEGO (Đan Mạch) vừa cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Điều kiện đặt ra là đối tác phải triển khai thực hiện ESG ở một mức độ nhất định”, ông Vũ Chí Công chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Food, có một số khó khăn khi triển khai ESG, trong đó có vấn đề liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp. “Nhiều công ty coi việc giải quyết các vấn đề ESG là chi phí bổ sung và điều này không đúng. Cần chú trọng giải quyết các vấn đề ESG để tạo ra giá trị theo nhiều cách như giảm chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn…”, ông Lộc nói.

“Công ty chúng tôi xử lý nguyên liệu đầu vào là phụ phẩm từ tôm (đầu, vỏ tôm…) thành nhiều sản phẩm hữu ích, đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải. Thông thường, phụ phẩm không xử lý sẽ tạo khí metan. Quá trình chế biến, xử lý phụ phẩm từ tôm đã giảm việc phát thải khí metan rất nhiều. Chúng tôi muốn đo đếm, tính toán thành số tấn khí nhà kính giảm được, nhưng hiện chưa có công cụ để đo đếm. Chưa biết tính toán cách nào. Chúng tôi đã đi hỏi nhiều nơi, nhưng đều không có câu trả lời”, Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Food bày tỏ.

Ông Nguyễn Quý Hạnh, Chuyên viên tư vấn cao cấp của công ty ERM Việt Nam, cho rằng cần tích hợp ESG vào trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng cấu trúc quản trị và phát triển năng lực, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững để phù hợp với các xu hướng tại Việt Nam hiện nay như: Nền kinh tế các bon thấp, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, quản lý rủi ro đối với môi trường…

Đề cập khía cạnh tài chính xanh cho doanh nghiệp, ông Trương Vĩnh Khang, Phụ trách Phát triển bền vững của viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) nhận định: Việt Nam vẫn còn đang hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh, tín dụng xanh. Hiện tại chưa có nhiều đơn vị phát hành trái phiếu xanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành công ty Abavina nêu quan điểm: Nông nghiệp phải dựa vào tài nguyên và tri thức bản địa, và cho rằng đây là mô hình kinh doanh tuần hoàn, kinh doanh bao trùm. “Xác định sứ mệnh ngay từ đầu là làm sao để người dân làm chủ, sống hài hòa với tự nhiên, chúng tôi đã cùng nông dân xây dựng các tiêu chí quy trình sản xuất, công bố trên các kênh của công ty, coi quy trình sản xuất thân thiện với môi trường như một vũ khí truyền thông, một mũi nhọn, trong xây dựng thương hiệu và định vị mình”, bà Thoa nói./.

Được chính thức công bố vào tháng 11/2022, Sáng kiến ESG Việt Nam hướng đến thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội. Sáng kiến này là một trong những nỗ lực góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trần Ngọc/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận