1 triệu hecta lúa chất lượng cao: Hô to rồi đừng để teo top

  • 13/04/2023 00:07:20
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, nâng cao được thu nhập cho người nông dân. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu không có lộ trình, chính sách phù hợp đề án có thể gặp thất bại như mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại ĐBSCL cách đây hơn 10 năm.

 

Lo ngại “teo tóp” như cánh đồng mẫu lớn

Nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội; hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng các địa phương xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo dự kiến đề án này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 4-2023 và được chính thức triển khai từ năm 2024.  Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000 ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa; đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với sản lượng 13 triệu tấn lúa. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%. Đến năm 2030, vùng sẽ đạt 1 triệu ha, lợi nhuận bình quân được nâng lên 40%.

                    Đề án 1 hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL gắn với tăng trưởng xanh và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Mục tiêu đặt ra là thế nhưng nhiều chuyên gia vẫn đặt ra lo ngại nếu như không có lộ trình, chính sách phù hợp đề án có thể gặp thất bại như mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại ĐBSCL cách đây hơn 10 năm.

“Cánh đồng mẫu lớn” từng được kỳ vọng là mô hình kiểu mẫu, là một giải pháp tối ưu để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh cho ngành lúa gạo Việt Nam, được thí điểm lần đầu tiên tại vụ Hè Thu năm 2011 ở vùng ĐBSCL. và tỉnh Tây Ninh với diện tích liên kết trên 7.800 hecta, có 6.400 hộ nông dân tham gia. Vào năm 2015 mô hình này phát triển mạnh nhất với diện tích lên đến 200.000 hecta. Tuy nhiên, đến nay mô hình đang trên đà teo tóp và nhiều nơi bị thất bại do không tìm được đầu ta. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Đông xuân 2021-2022, diện tích cánh đồng lớn chỉ còn khoảng 160.000 hecta.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nêu nguyên nhân của thực trạng, vướng mắc lớn nhất là vấn đề vốn. Ông Bình kể câu chuyện công ty Trung An Kiên Giang của ông được phê duyệt dự án 6.000 hecta ở vùng Tứ Giác Long Xuyên từ năm 2017 nhưng gõ cửa rất nhiều ngân hàng mà không vay được đồng nào, phải huy động vốn tự có.

“Doanh nghiệp (DN) của tôi còn có tiền xoay xở được chứ nhiều DN nhỏ khác thì không thể. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là mô hình tôi rất tâm đắc và đã thực hiện thành công 10 năm nay, nhưng đang trên đà bị thu hẹp tại nhiều địa phương và liệu đề án lần này có lặp lại “vết xe đổ” đó không?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Phước Thành IV cho biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có không ít doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu nhưng gặp rất nhiều khó khăn, mà cụ thể là gãy đổ hợp đồng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Phải nâng cao thu nhập cho người nông dân 

Ông Nguyễn Văn Thành nêu quan điểm, địa phương cần mời DN có tiềm năng tham gia liên kết sản xuất để thu mua lúa cho nông dân. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ đủ lớn của Chính phủ cho bà con nông dân và DN. Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư máy móc, thiết bị, kho chứa…, hỗ trộ vốn, giống cho các hộ tham gia đề án.

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình đồng quan điểm cho rằng, vai trò của DN là không thể thiếu, nhưng vì sao DN không tham gia. Bộ NN&PTNT phải có cơ chế chính sách cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận được, chứ không nói chung chung. Đây là đề án lớn đầu tiên của ngành hàng lúa gạo không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới, vì thế cần có sự thay đổi tư duy nhận thức về đề án từ trung ương đến địa phương, DN, hợp tác xã (HTX).

Ở góc độ địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đề án tạo sự quan tâm của rất nhiều giới từ nông dân, HTX, DN đến các nhà khoa học, giới truyền thông, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Tỉnh An Giang ủng hộ và sẽ tham gia đề án với bất cứ giá nào, tuy nhiên khi thực hiện cần phân vai nhiệm vụ rõ ràng, nhà nước làm gì, DN làm gì, HTX, nông dân làm gì. Nếu không sẽ lúng túng, giẫm chân lẫn nhau.

Góp ý về đề án, ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết,  Hậu Giang mong muốn chuyên gia, đơn vị liên quan và các tỉnh tham gia đề án tích cực trao đổi, đóng góp, nhằm thống nhất nội dung, chỉ tiêu để hoàn thiện; đề xuất giải pháp để triển khai đề án. Mục đích là giúp người dân nhận thấy rõ sự khác biệt của Đề án so với các Đề án, dự án trước đây; để nông dân thấy được lợi ích khi tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và vị thế của người nông dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như trách nhiệm xã hội toàn cầu.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đề nghị, cần làm rõ hơn những ưu tiên về cơ chế, chính sách để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau khi thực hiện các mục tiêu của đề án này…

Ở góc nhìn khác, Giáo sư Võ Tòng Xuân, cho rằng lý do quan trọng nhất khiến mô hình cánh đồng mẫu lớn không phát triển là thiếu đầu ra. DN không chỉ khó tiếp cận được vốn, mà cho dù có vốn nhưng không tìm được đầu ra thì cuối cùng cũng thất bại. Vậy nên muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, nghĩa là DN phải biết khách hàng cần loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao..., khi đã có đầu ra thì DN mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp”.

Bộ NN&PTNT cam kết nông dân tham gia vào đề án sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa, được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng), được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa. Hợp tác xã tham gia được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng, được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo. Doanh nghiệp tham gia sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến, được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp...

“Thay đổi nền sản xuất lúa gạo là vấn đề không dễ, thực hiện việc thay đổi đó càng khó khăn hơn. Nếu hệ thống canh tác lúa hiện tại không thay đổi, mà tiếp tục được duy trì thì thu nhập người nông dân sẽ không cải thiện, chưa kể gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn”.

                                                                                                                                                                                     Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Để thu hút được DN, HTX, nông dân tâm huyết tham gia phải có chính sách tạo sự khác biệt cho họ. Sản phẩm đi ra từ 1 triệu hecta này cũng cần có sự khác biệt. Để làm được điều này quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải cụ thể hóa ra bằng những cơ chế, chính sách…”

                                                                                                                                                            Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

“WB cam kết sẽ hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho đề án. Trong đó, 20 triệu USD là hỗ trợ không hoàn lại, còn 20 triệu USD dùng để mua 5% - 10% tín chỉ carbon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải nếu Việt Nam bán tín chỉ này trên thị trường thế giới”.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận