Thị trường ô tô và những nghịch lý

  • 23/03/2023 00:04:21
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Thị trường ô tô đang tồn tại một nghịch lý là thuế bằng 0% nhưng giá vẫn cao, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Nhà nước thất thu ngân sách, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô không đạt mục tiêu đề ra.

 

Thuế nhập khẩu bằng 0 nhưng giá xe cao gần gấp đôi

Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp ô tô đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới đã có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines,… đặc biệt là xe tải, xe bus.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu khu vực ASEAN. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2022, tổng công suất lắp ráp của các nhà máy ô tô tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế đối với xe dưới 9 chỗ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong 3 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ trên thực tế đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng trên 5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cũng thừa nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm về mức 0%, nhưng giá xe hầu như không thay đổi. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Hiện giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Lý giải về nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao, theo Bộ Công Thương là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế). Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Ô tô nhập khẩu tăng 325%, tỷ lệ nội địa hoá thấp

Còn nhớ năm 2018, khi thuế nhập khẩu trong khu vực về 0% giới chuyên gia nhận định giá xe sẽ giảm 20 - 25%, tuy nhiên giá thực tế đến tay người tiêu dùng không giảm như kỳ vọng. Kỹ sư Lê Văn Tạch phân tích, trước ngày 01/01/2018 thì thuế nhập khẩu ô tô là 30%. Nhưng khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về bằng 0% thì giá mỗi chiếc xe nhập khẩu từ khu vực này sẽ sẽ giảm rất nhiều. Ví dụ một chiếc xe nhập khẩu có giá nhập đến cảng là 10.000 USD, với 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, 30% thuế nhập khẩu và 10% VAT thì chiếc xe sẽ có giá là 10.000x1,5x1,3x1,1=21.450 USD. Nhưng bỏ thuế nhập khẩu thì chiếc xe đó sẽ còn 10.000x1,5x1,1=16.500 USD. Giá này chưa bao gồm phí lưu kho, phí vận chuyển và lãi của nhà nhập khẩu. Đáng lẽ người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi từ số thuế giảm đó, song thực tế mức giảm ít và không như kỳ vọng.

Ảnh minh họa

Ngay sau khi thuế nhập khẩu ô tô giảm từ 30% xuống 0% từ ngày 01/01/2018 thì Bộ Công Thương đã cho phép các liên doanh lắp ráp ô tô ở Việt Nam được phép gần như độc quyền nhập khẩu ô tô về bán tại thị trường Việt Nam. Do vậy, giá xe nhập khẩu đã không giảm tương ứng với việc giảm thuế. Tiền thuế nhập khẩu 30% đó được chuyển gần như trọn vẹn cho các nhà nhập khẩu. Nhiều liên doanh lắp ráp ô tô đã chuyển trọng tâm từ lắp ráp sang nhập khẩu Thái Lan, Indonesia về Việt Nam bán vừa nhàn vừa siêu lợi nhuận. Các chuyên gia nhận định, điều này dẫn đến tỷ lệ nội địa hoá thấp và người tiêu dùng vẫn phải mua xe giá cao. Trong khi đó, Nhà nước lại thất thu ngân sách.

Thực tế này thể hiện qua số lượng ô tô nhập khẩu tăng cao trong thời gian qua. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2022, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đã cao hơn gần 3.300 xe so với cả năm 2021. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, cả nước nhập khẩu 44.457 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 612,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 325% về lượng và 180,6% về giá trị kim ngạch.

Còn nhớ cuối tháng 1/2018, Bộ Công Thương đã cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho hàng loạt các doanh nghiệp như Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt, Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam... Nhưng tại thời điểm này cũng chính Bộ Công Thương lo ngại việc nhập khẩu ồ ạt xe sẽ dẫn đến tỷ lệ nội địa thấp, không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cụ thể, tại công văn số: 1154/BCT-CN đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu ngày 6/3/2023, Bộ Công Thương lo ngại, thị trường ô tô nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, sự cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến chủ yếu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia (chỉ tính riêng lượng ô tô nhập khẩu từ 02 quốc gia này đã chiếm khoảng trên dưới 50% tổng lượng ô tô nhập khẩu tại Việt Nam). Cơ hội cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh thị trường từ xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN của các doanh nghiệp FDI dẫn đến quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khí đầu ra bị thu hẹp. Các doanh nghiệp FDI ngoài việc tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.

Người tiêu dùng không được hưởng lợi. Nhà nước thất thu ngân sách, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô không đạt mục tiêu đề ra. Ảnh minh họa.

Để có câu trả lời khách quan, phóng viên đã liên hệ với một số doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp ô tô nhưng đều bị từ chối trả lời vì vấn đề nhạy cảm. Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp nội địa xin giấu tên cho biết, “chính sách chung của Nhà nước rồi, chúng tôi nói cũng chả được gì mà còn gây hiềm khích với doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan quản lý vì đây là vấn đề nhạy cảm!”.

Như vậy, có thể nói thị trường ô tô đang tồn tại một nghịch lý là thuế bằng 0% nhưng giá vẫn cao, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Trong khi, Nhà nước thất thu ngân sách thì tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô không đạt mục tiêu đề ra.

 Kỹ sư Lê Văn Tạch: Ba mươi năm về trước chính phủ đã đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô với rất nhiều ưu đãi để thu hút các hãng ô tô hàng đầu thế giới đến Việt Nam xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, hy vọng họ chuyển giao công nghệ thông qua việc tăng dần tỷ lệ nội địa hoá. Nhưng thực tế, việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đã để cho các công ty này không thực hiện đúng lộ trình tăng dần tỷ lệ nội địa hoá. Không dừng lại ở đó, các cơ quan chức năng còn đưa ra các thông tư, nghị định để từng bước giúp các công ty liên doanh lắp ráp ô tô trong nước gần như được phép độc quyền nhập khẩu ô tô về bán ở Việt Nam. Hệ lụy là giá ô tô rất cao, các công ty lắp ráp tha hồ móc túi người tiêu dùng và họ không còn mặn mà với việc lắp ráp trong nước nữa mà chuyển sang nhập khẩu về bán. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã đi được gần ba mươi năm với bao nhiêu tiền của của người dân giờ coi như không còn giá trị.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận