Chuyển động tích cực cho lúa gạo Việt

  • 28/12/2018 10:56:12
  • Thanh Tùng
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2018 là dấu mốc đáng kể với ngành gạo Việt Nam khi sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã thâm nhập vào thị trường khó tính.

 

Nhiều tín hiệu khả quan

Hiện nay, sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Tuy nhiên việc nhận diện các thách thức về thị trường xuất khẩu tiếp tục là bài toán đặt ra của ngành hàng gạo Việt Nam.

Năm 2018 là dấu mốc đáng kể với ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, với kim ngạch gia tăng đến 20%, tăng cả kim ngạch và sản lượng. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Không những thế, hạt gạo Việt Nam bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Việt Nam liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao, tăng lợi nhuận cho người nông dân; tăng trưởng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp. Cùng với đó, chính sách mới quản lý điều hành xuất khẩu gạo qua việc Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107 ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo giúp cho việc xuất khẩu gạo dần dần được hình thành một cách hệ thống. Thể chế chính sách xuất khẩu gạo đã từng bước theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế, loại bỏ các rào cản gây bất lợi cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích: Về mặt thể chế, chúng ta thấy năm 2018 có dấu ấn đặc biệt. Đây là năm đầu tiên triển khai quyết định 942 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất khẩu gạo. Đây cũng là năm có những thay đổi đột phá về mặt cơ chế khi có Nghị định 107 thay thế 109. Qua đó, đáp ứng mong mỏi không chỉ của các doanh nghiệp mà của các địa phương, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trước đây chủ yếu trông vào hợp đồng đấu thầu của Chính phủ chứ doanh nghiệp Việt Nam không giỏi về mở rộng thị trường. Nhưng nay có cơ chế mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm thị trường. “Nếu doanh nghiệp có sự phối hợp, liên kết hành động sẽ tìm được hợp đồng xuất khẩu giá tốt. Cơ chế cho doanh nghiệp thoáng hơn nữa sẽ tạo nhiều cơ hội hơn. Lúc trước, các doanh nghiệp làm gì cũng phải đăng ký với Hiệp hội là Hiệp hội sẽ nắm tất cả mọi diễn biến, từng hợp đồng, nhưng cũng có phần làm khó cho doanh nghiệp. Với cơ chế mới này, mở ra nhiều hướng phát triển, nhưng đó cũng là thách thức với danh nghiệp”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Thách thức với thương hiệu gạo Việt

Dù có những tín hiệu tích cực nhưng trong công tác điều hành xuất khẩu gạo và phát triển thị trường vẫn còn một số hạn chế. Điều dễ nhận thấy trong năm 2018, xuất khẩu gạo thiên về bề rộng, gia tăng khối lượng, chưa chú trọng cải thiện chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp với thương hiệu gạo từ Việt Nam còn thấp, nhiều thị trường bị chi phối bởi trung gian. Uy tín, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam còn hạn chế… Đây sẽ là những vấn đề cần có giải pháp cho một năm xuất khẩu mới 2019 với nhiều chuyển động.

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Agromonitor chia sẻ: “Tôi nghĩ, chúng ta cần phân định rạch ròi giữa 2 thị trường tập trung và thị trường thương mại để đạt được mức giá tốt nhất, giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, tôi mường tượng vấn đề thể chế sẽ chuyển đổi xu hướng ngành gạo từ cơ chế kiểm soát sang cơ chế phát triển. Các cơ quan nhà nước hay hiệp hội sẽ chuyển từ hành chính sang hỗ trợ, kiến tạo phát triển để góp phần tạo cuộc chơi lớn hơn và mang lại cơ hội tốt hơn cho ngành gạo”.

Kết quả sản xuất và xuất khẩu gạo trong năm 2018 khả quan, nhưng nhiều chuyên gia dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới có thể gặp không ít khó khăn do thay đổi chính sách nhập khẩu lương thực của một số thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, những thách thức như: đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng, an toàn cho sức khỏe con người vẫn còn đó. Trong khi đó, xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, những thay đổi trong ứng xử của các quốc gia về xuất nhập khẩu gạo cũng là những thách thức mà ngành gạo Việt Nam phải đối mặt và vượt qua. Từ đó, để khẳng định được thương hiệu, chất lượng, xứng tầm với tiềm năng của một quốc gia lợi thế về nông nghiệp./.

 

Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ la-tinh, Trung Đông…


 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận