Giải bài toán nguồn nhân lực cho hợp tác xã

  • 10/02/2023 04:51:56
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Phát triển mô hình kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) năng động, hiệu quả, bền vững, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao… là xu hướng tất yếu nhằm giải quyết tồn tại của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng đội ngũ chủ chốt 'già hóa', hạn chế về năng lực quản lý và tiếp cận công nghệ là những thách thức mà HTX đang phải đối mặt trong quá trình đổi mới.

 

Thiếu nguồn lực tài chính để đào tạo

Thành lập từ năm 2018, HTX 3T nông sản Cao Phong (3T Farm) được biết đến là mô hình tiêu biểu của tỉnh Hoà Bình trong việc tiên phong thay đổi phương pháp canh tác cam từ truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, không dùng thuốc diệt cỏ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, ngâm ủ phân hữu cơ và tự chế thuốc trừ bệnh bằng thảo mộc. Đánh giá về thành công của HTX Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho rằng đó là nhờ có người đứng đầu bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Mặc dù vậy, chia sẻ về những khó khăn, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX 3T Farm cho rằng, HTX gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Hiện Hội đồng quản trị của HTX gồm 3 người nhưng có hai người “tay ngang”, công việc chính là làm trong cơ quan nhà nước. Hiện HTX quản lý về marketing nhưng chưa tuyển chọn được bởi lương trả thấp khó thu hút người trẻ gắn bó lâu dài. Cùng với đó, HTX mở thêm du lịch sinh thái nông nghiệp, muốn sử dụng lao động của các vườn, nhưng đang gặp khó khăn vì hầu hết chưa có kỹ năng làm du lịch…

                 HTX 3T nông sản Cao Phong thành công nhờ có người đứng đầu bản lĩnh dám nghĩ, dám làm được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Ở Hà Giang, bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ, Hà Giang có 795 HTX; số HTX ngừng hoạt động 174 HTX. Hiện tại hầu hết các HTX đang gặp khó khăn về tiếp cận công nghệ do đa phần cán bộ quản lý trình độ, năng lực yếu kém, chủ yếu là chưa qua đào tạo. Khó khăn của Liên minh HTX trong công tác đào tạo là thiếu nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo tập huấn.

Còn ở An Giang, ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX cho biết, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Hầu hết Hội đồng quản trị các HTX đều chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, bộ máy cán bộ HTX chủ yếu trưởng thành từ phong trào, chỉ cần họ năng động, nhiệt tình với công việc và có kinh nghiệm làm nông nghiệp thì sẽ được bầu vào Hội đồng quản trị. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các HTX trong quản lý, điều hành sản xuất.

Đa số lãnh đạo HTX đều cao tuổi, hạn chế về trình độ làm cho cán bộ quản lý và điều hành ở một số HTX chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu và thi hành những quy định của pháp luật về HTX nên gặp khó khăn trong công việc tiếp cận thị trường, nhu cầu của thành viên và của khách hàng bên ngoài HTX; dẫn đến thiếu năng động trong việc mở rộng dịch vụ, thu hút nguồn vốn từ thành viên và gắn kết với các doanh nghiệp còn hạn chế.

Nhìn chung, mặc dù các địa phương cũng đã vận động và đưa đi đào tạo được một số nhân sự để làm nguồn tham gia Hội đồng quản trị HTX, nhưng người dân không bầu vào Hội đồng quản trị. Đồng thời, về lâu dài sẽ khó tìm được nguồn nhân lực có chất lượng để quản lý HTX, vì trong tương lai, khi độ tuổi lao động nông nghiệp bị “già hóa” nguồn nhân lực quản lý các HTX sẽ rất khó tìm. Trong khi đó, địa phương lại không thể giữ chân được những người trẻ có trình độ, có bằng cấp tham gia vào Hội đồng quản trị HTX. Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận cũng khó có thể thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề là mức thu nhập, và phụ cấp cho cán bộ HTX hiện nay quá thấp, dẫn đến việc các HTX sẽ không thể thu hút được những người trẻ có trình độ, chuyên môn.

Bà Tô Quỳnh Mai, với vai trò là người đào tạo livestream và cũng là người trực tiếp đào tạo gần 300 người nông dân đa số đã lớn tuổi thông qua chương trình Làng Vui của VTV3 cho biết, tôi sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi đào tạo bởi nền tảng, kiến thức về công nghệ nói chung của nhóm học viên này là yếu, học viên đa phần chỉ biết những tính năng cơ bản trên điện thoại, kinh doanh truyền thống, nên chưa nắm được các kiến thức về mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử. Về kỹ năng livestream như kỹ năng nói hay ngôn ngữ cơ thể, nhóm học viên lớn tuổi khó học theo theo một format chuyên nghiệp dàn dựng bài bản.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng 18.300 HTX nông nghiệp, trong đó có 70.000 cán bộ quản lý nhưng mới chỉ có 16% có trình độ cao đẳng, đại học; 33% có trình độ sơ cấp, trung cấp; còn lại tới 51% chưa được qua đào tạo…

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác - cho rằng, Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp tập cần trung thực hiện thời gian tới, nhất là đào tạo nghề cho “Giám đốc HTX nông nghiệp” với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ mong muốn Nhà nước hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Theo bà Thuỷ, có rất nhiều bạn học hết lớp 12 ở địa phương tham gia sản xuất cùng gia đình. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nhóm lao động này đi học nâng cao trình độ bởi họ là dân địa phương, gắn bó với cây cam từ nhỏ, hiểu về cây nếu họ được đào tạo nâng cao năng lực sẽ có nhiều cơ hội cống hiến và gắn bó với HTX.

                    Đa số nông dân lớn tuổi chưa nắm được các kiến thức về mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đưa ra giải pháp về chính sách phát triển nguồn nhân lực: Đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên; hằng năm dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh; chuẩn hóa các chức danh quản lý trong tổ chức kinh tế tập thể (giám đốc, kế toán, kiểm soát).

Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ quản lý chưa đạt tiêu chuẩn chức danh vị trí đang đảm nhiệm; khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể. Nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể.

Bộ NN&PTNN đã xây dựng khung chương trình, giáo trình đảm bảo các điều kiện để tổ chức đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp”. Dự kiến trong năm 2022 sẽ đào đạo cho khoảng 500 hợp tác xã với 1.500 học viên theo chương trình này, tập trung vào các hợp tác xã trong vùng nguyên liệu thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn mà Bộ đang chỉ đạo, 250 hợp tác xã nông nghiệp điển hình và các hợp tác xã thực hiện đề án phát triển ngành muối Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận