Doanh nghiệp đề xuất cơ chế tạo thuận lợi trong năm 2023

  • 06/01/2023 12:00:52
  • Nguyễn Quỳnh
  • Kinh tế
  • 0

Các DN đang kỳ vọng bước sang năm 2023 sẽ có nhiều thành công hơn nữa và rất cần được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.

 

Năm 2022 vừa đi qua với sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN trong phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Qua 1 năm nhiều khó khăn, nhiều DN đang kỳ vọng bước sang năm 2023 sẽ có nhiều thành công hơn nữa và để đạt được điều đó, các DN vẫn cần được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.

Xăng dầu là lĩnh vực vừa trải qua năm 2022 với nhiều biến động lớn về nguồn cung. Là DN đầu mối trong lĩnh vực này nên để chủ động thích ứng và linh hoạt trước những thay đổi của thị trường xăng dầu thế giới, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhiều vấn đề liên quan tới thị trường xăng dầu. Trong đó tập trung vào việc phản ánh đủ, kịp thời chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam trong giá cơ sở.

“Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi các bất cập trong điều hành kinh doanh xăng dầu, chỉ đạo sớm nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83. Một số kiến nghị khác như nâng mức xăng dầu dự trữ quốc gia, nghiên cứu đầu tư hệ thống kho dự - cảng trữ xăng dầu, và sửa đổi kinh phí bảo quản hàng dự trữ,… cũng đã được tập đoàn đề cập”, ông Thanh nêu.

DN dệt may cần các nguồn tài chính cho DN vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.Giai đoạn từ năm 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Ngành dệt may hướng mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 45-47 tỷ USD trên cơ sở 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0% cũng như ngành dệt may đang tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước từ 50-51%.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, khó khăn lớn hiện nay là nguồn vốn. Vitas đang cùng với Hiệp hội da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) có văn bản kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành về việc giảm, hoãn thuế cho DN, tiếp tục tìm các nguồn tài chính cho DN vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

“Vitas tiếp tục kiến nghị Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan cân nhắc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Vấn đề này đã được Vitas kiến nghị từ rất lâu và Chính phủ cần nhanh chóng có điều chỉnh. Đồng thời, với một số lĩnh vực ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, các ngân hàng nên cân nhắc giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích DN duy trì hoạt động, giữ ổn định lao động”, ông Giang nêu trọng tâm.

Giá nhân công, giá thuê nhà xưởng, giá nguyên vật liệu không ngừng tăng do đang phụ thuộc chính vào việc nhập khẩu.Lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo trong năm 2022 cũng dần trở lại nhịp hoạt động bình thường, tuy mức hồi phục còn chậm nhưng cũng để lại nhiều dầu ấn. Một số DN trong lĩnh vực này mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong thời gian tới để sớm trở thành ngành trọng điểm, có giá trị gia tăng cao.

Như chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) Nguyễn Thu Hồng, dù đã rất cố gắng khôi phục sản xuất nhưng hiện DN gặp nhiều khó khăn khi các đối tác siết chặt công nợ, yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng, ngân hàng ngừng giải ngân hoặc hạn chế tối đa hạn mức tín dụng…

Trong khi DN không thể yêu cầu tăng giá đối với các khách hàng truyền thống, hầu hết các trường hợp đều phải bình ổn giá bán. Cùng lúc giá nhân công, giá thuê nhà xưởng, giá nguyên vật liệu chính của DN như sắt thép, bột sơn… lại không ngừng tăng do đang phụ thuộc chính vào việc nhập khẩu.

“Để vượt qua khó khăn, DN mong muốn được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kiểm soát, bình ổn giá thuê đất, giá nhân công… hay các chương trình hỗ trợ phát triển DN như cải tiến công nghệ, chuyển đổi số… Nhà nước cũng cần đầu tư nhiều hơn vào công nghiệp chế biến khoáng sản tinh, nội địa hóa sản xuất nguyên vật liệu để giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, giúp các DN sản xuất tiết giảm chi phí đầu vào”, bà Hồng kiến nghị.

Hiện nay, các DN trong nước hoạt động ở lĩnh vực nhập khẩu, dự trữ thép không gỉ cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định khi nguồn cung hàng hóa bất ổn, giá cả lên xuống thất thường; các thị trường thường xuyên bị ảnh hưởng dẫn đến sản lượng đầu ra giảm sút khiến DN chịu thêm nhiều áp lực.

DN nhập khẩu có khó khăn nhất định khi nguồn cung hàng hóa bất ổn, giá cả lên xuống thất thường.Là DN hoạt động trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng chia sẻ, trước những khó khăn và thách thức, TYGICO vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh bằng cái Tâm theo đúng tôn chỉ mục đích luôn đảm bảo cung cấp hàng đạt tiêu chuẩn với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đánh đổi thương hiệu và uy tín bằng nguồn hàng giá rẻ kém chất lượng.

“Các vấn đề liên quan tới thị trường tài chính cũng đang mang lại những bất lợi không nhỏ cho DN khi hạn mức tín dụng bị thu hẹp, lãi suất cho vay tăng chóng mặt, các đối tác cũng đối mặt với khó khăn và không ít DN lâm vào tình trạng bị rối loạn khả năng luân chuyển tiền tệ... nên cần có cơ chế tài chính riêng phù hợp hơn đối với những ngành hàng cụ thể”, ông Thăng mong muốn./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận