Một số tỉnh, thành đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, nhiều địa phương đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, sản xuất của doanh nghiệp.

 

Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ sự thống nhất cao với các báo cáo, dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Phát biểu tại điểm cầu tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ tình hình khó khăn trong sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…; vừa tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất vừa đảm bảo việc làm, an sinh xã hội.

Phát huy kết quả năm 2022, TP.HCM đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư, các dự án kinh doanh, trong đó có những tồn đọng của TP.HCM đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để khơi thông nguồn vốn, đồng thời tăng niềm tin cho thị trường, xã hội.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để thành phố cùng với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để thành phố triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 24 cũng như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thì nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra và quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu GRDP đạt từ 11% trở lên, tất cả các ngành, lĩnh vực đều phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2022.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị của các địa phương.

Ông Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Báo Thanh Hóa)Đồng thời, trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Đất đai sửa đổi, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Thanh Hoá cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phát triển khu công nghiệp, đất phi nông nghiệp để phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030 cho các địa phương; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có giải pháp, chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định về đấu giá, đấu thầu, xây dựng giá đất, phát hành trái phiếu, chứng khoán, vay tín dụng ngân hàng, huy động vốn của cá nhân để đảm bảo cho hoạt động này được lành mạnh, thông suốt, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Trong lĩnh vực đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ cho phép giảm bớt trình tự thủ tục trong việc quy hoạch và khai thác các mỏ đất phục vụ các công trình xây dựng, kể cả xây dựng cơ bản bằng NSNN và các dự án đầu tư nguồn ngoài ngân sách đang rất khó khăn về thủ tục; xem xét cho phép điều chỉnh hợp đồng theo giá cố định trong một số trường hợp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho đơn vị thi công do biến động rất lớn đầu vào thời gian qua.

Về huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ ngành ban hành các quy định, hướng dẫn về hợp tác công tư và các hình thức xã hội hóa trên lĩnh vực bộ ngành phụ trách chưa ban hành khiến địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

Tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp trong năm 2023./.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận