Nam Định: Thúc đẩy các dự án trọng điểm tạo đà cho phát kinh tế vùng

  • 22/12/2022 16:26:45
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược được tỉnh Nam Định triển khai thực hiện có hiệu quả, bước đầu đem lại động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ là một trong những khâu đột phá quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh Nam Định đề ra. Qua đó, nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư, từng bước hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển đô thị hài hòa với xây dựng nông thôn mới; tăng cường hội nhập kinh tế vùng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân nhất là khu vực nông thôn, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm. Đến nay, các dự án có tính chiến lược, lâu dài cơ bản đã hình thành.

Trong đó, tuyến đường bộ ven biển, với chiều dài toàn tuyến 66km, tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với chiều dài toàn tuyến 46km, tổng mức đầu tư gần 5.400 tỷ đồng (đã hoàn thành giai đoạn 1); Tuyến đường bộ kết nối thành phố Nam Định với đường bộ ven biển với chiều dài toàn tuyến 33km, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng; Dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng và hệ thống các đường tỉnh lộ, đê, kè, thủy lợi.

Đặc biệt, TP Nam Định là một trong những đơn vị đi đầu, đã có nhiều dự án, công trình trọng điểm hoàn thành đi vào sử dụng, gấp rút triển khai tạo điểm nhấn cho thành phố như: Khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Cải tạo, nâng cấp cảnh quan hồ Vị Hoàng; cải tạo, nâng cấp hè đường Nguyễn Du; khởi công xây dựng cầu qua sông Đào 16; đường trục phía Nam thành phố Nam Định…

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và liên tỉnh kết nối Hải Hậu - Giao Thủy, Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung quy hoạch đường giao thông kết nối, xây dựng tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam và tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh Nam Định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dự kiến tổng nhu cầu nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm là trên 25 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư còn hạn chế, chủ yếu phải bố trí nguồn lực từ ngân sách tỉnh. Đồng thời, khối lượng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn. … Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương như Ý Yên, Hải Hậu và tiến độ thi công, triển khai thủ tục của một số dự án còn chậm, như: Tỉnh lộ 485B; cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên; cụm công nghiệp Thanh Côi, huyện Vụ Bản; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc... Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng còn vướng mắc, nhất là thủ tục liên quan đến dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; việc xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa đạt yêu cầu….

Giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và gây khó khăn trong quá trình triển khai thi công, hoàn thành các dự án đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và đảm bảo nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm trong thời gian tới tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, UBND các huyện, thành phố cần tổ chức rà soát lại quy trình trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo khoa học và đúng quy định của pháp luật. Lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án và có thời gian cụ thể cho từng bước trong công tác giải phóng mặt bằn. Phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân theo từng nội dung công việc, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm.

Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai và xác định nguồn gốc đất đai. Việc xác định giá đất và bố trí tái định cư phải đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để tạo điều kiện cho các hộ gia đình bị thu hồi đất sớm ổn định đời sống.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đất đai, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác giải phóng mặt bằng đối với tiến độ hoàn thành các công trình, dự án; lợi ích, hiệu quả của các dự án đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đồng thời, UBND tỉnh kêu gọi nhân dân trong vùng dự án đồng thuận, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, vì sự phát triển chung của tỉnh và vì sự phát triển của chính địa phương mình đang sinh sống.

Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu: Hoàn thành các dự án: Tỉnh lộ 488B, 485B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Đẩy nhanh tiến độ các dự án: Giai đoạn II Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; xây dựng cầu Bến Mới; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần...

Hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội và dạy nghề, cầu vượt sông Đáy... Khởi công các công trình do Bộ Giao thông Vận tải quản lý như cầu Ninh Cường.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung tại các huyện, thành phố để tạo nguồn lực từ quỹ đất phục vụ đầu tư các dự án trọng điểm.

Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý và triển khai các quy hoạch đã được duyệt, như Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo các quy hoạch xây dựng chung đã được phê duyệt; phát huy hiệu quả các quy hoạch để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, kinh tế của tỉnh Nam Định tiếp tục có bước phát triển với tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.000 tỷ đồng bằng 121% dự toán; tăng trưởng tín dụng ước tăng 15% so với đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,9% so với năm 2021. Đến nay đã có 182/204 (89%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận