Đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Nam Định, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhận được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là sự vào cuộc của người dân và toàn xã hội. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh, đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có 182 xã, thị trấn (chiếm 89% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 23 xã đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu để được công nhận. Một số huyện có kết quả nổi bật về số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao như: huyện Hải Hậu, huyện Nghĩa Hưng, huyện Trực Ninh...
Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững” tại huyện Hải Hậu đã hình thành cơ bản 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện, chiều dài 16km (có hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt, bằng cột đúc, đèn led, dây điện ngầm, đường có bồn hoa, trồng cây bóng mát đồng chủng loại). Trung tâm văn hóa, thể thao huyện đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III; Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu đạt tiêu chuẩn hạng II và đang nâng cấp trở thành bệnh viện thân thiện, bệnh viện kiểu mẫu. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện đạt cấp độ I; có 6/8 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 lần đầu. Đã hình thành 4 cụm công nghiệp và 1 cụm làng nghề thu hút trên 25.000 lao động. Có các vùng sản xuất hàng hoá tập trung: lúa chất lượng, nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu. Có 2,27km tuyến đê kiểu mẫu tại xã Hải An, Hải Giang. Lò đốt rác thải của các xã đều được quan tâm cải tạo, nâng cấp đảm bảo thân thiện với môi trường.
Từ những kết quả đó, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đánh giá, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và Chương trình OCOP. Một số địa phương đạt kết quả khá, có nhiều sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, tiêu biểu như: huyện Hải Hậu có 78 sản phẩm, huyện Giao Thuỷ có 58 sản phẩm, thành phố Nam Định có 23 sản phẩm,…
Đặc biệt, ngày 22/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã ban hành quyết định về việc công nhận xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục năm 2022. Xã Giao Phong nằm ở phía tây nam huyện Giao Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 12km, giáp với Khu du lịch biển Quất Lâm. Xã rộng 756,6ha, có 2.467 hộ, 6.835 khẩu, sinh sống ở 11 xóm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Xã hiện chỉ còn dưới 1% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Quá trình xây dựng NTM theo các tiêu chí kiểu mẫu, xã Giao Phong đã huy động 196.663 triệu đồng để thực hiện. Riêng lĩnh vực giáo dục, hệ thống các trường học từ mầm non đến THCS của xã đều đạt các tiêu chí chuẩn Quốc gia, “xanh - sạch - đẹp - an toàn”…
Hướng tới xây dựng mô hình thôn, xóm, xã thông minh
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chưa đồng đều giữa các địa phương, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm. Kết quả thực hiện một số tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí bảo vệ môi trường, tiêu chí sản xuất, thu nhập. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến quá tải và không đảm bảo vệ sinh trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tiến độ thi công công trình cung cấp nước sạch tập trung tại một số địa phương còn chậm. Kết quả huy động kinh phí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu còn hạn chế.
Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Nam Định đưa ra giải pháp, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với đô thị hoá, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng. Củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường... Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu “đô thị mới” ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung phát triển mạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán lẻ. Quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn. Quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Thực hiện tốt công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các vùng nuôi trồng thủy sản. Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch.
Nam Định cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM; đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân; xây dựng các mô hình thôn, xóm thông minh, xã thông minh; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn; tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.
Tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có: 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; Huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu; Ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.T
|