Theo quy định của EU về GSP khi có hiệp định thương mại từ do (FTA) Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nghĩa là đến hết 31/12/2022. Kể từ ngày 1/1/2023, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Vấn đề chấm dứt ưu đãi thuế quan phổ cập, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị những gì khi cơ chế thuế quan ưu đãi theo EVFTA được áp dụng? VOV phỏng vấn bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương về vấn đề này.
PV: Thưa bà, thị trường EU vẫn là thị trường truyền thống của Việt Nam. Bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội của các doanh Việt Nam tại các thị trường mới và có tiêu chuẩn, chất lượng cao trong EVFTA?
Bà Nguyễn Cẩm Trang: EU là một thị trường truyền thống của chúng ta và trong số các thị trường EU thì chúng ta vẫn có xuất khẩu cao sang một số thị trường truyền thống lịch sử như Hà Lan và thị trường Đức - cũng vừa là cửa ngõ để xuất khẩu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, qua theo dõi số liệu thì chúng ta có thể thấy, qua 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA thì một số thị trường ngách khác cũng đã bắt đầu được quan tâm và thúc đẩy xuất khẩu sang. Nhìn vào số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cũng cho chúng ta nhìn thấy rõ điều này.
Trong năm đầu tiên thì kim ngạch cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để xuất khẩu sang EU thì chủ yếu là sang các thị trường như Hà Lan, Đức, Bỉ. Từ năm 2021 đến nay, hầu hết các thị trường đều có kim ngạch cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Điều này cho thấy chúng ta đã tận dụng được nhiều sang các thị trường ngách trong khu vực EU.
PV: Một số các mặt hàng chúng ta vẫn đang tận dụng các lợi thế về thuế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà chưa tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Bà nhìn nhận như thế nào về các ưu đãi này khi mà càng về sau thì các ưu đãi từ EVFTA chúng ta lại càng được hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ?
Bà Nguyễn Cẩm Trang: Thực ra là theo cam kết thì trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA thì chúng ta vẫn được lựa chọn giữa cơ chế GSP và cơ chế EVFTA. Và với các hiệp định thương mại (FTA) thì chúng ta biết rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ thực hiện theo lộ trình. Do vậy là có thể đối với một số mặt hàng thì trong những năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA thì mức cắt giảm có thể chưa ưu đãi bằng mức thuế mà EU cam kết đơn phương cho chúng ta.
Theo cam kết thì sau 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết năm nay (tức là thời điểm 31/12/2022) thì chúng ta sẽ không còn áp dụng cơ chế GSP nữa. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán thì chúng ta đã đàm phán được rằng mức thuế nào có lợi hơn thì chúng ta được áp dụng mức thuế đó.
Nói cho rõ hơn là trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA thì chúng ta được lựa chọn giữa thuế GSP và thuế theo cam kết EVFTA, và khi lựa chọn mức thuế nào thì chúng ta áp dụng cơ chế về quy tắc xuất xứ đối với loại hình đó. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023 thì chúng ta chỉ áp dụng 1 cơ chế - cụ thể là theo cơ chế quy tắc xuất xứ theo EVFTA, có nghĩa là hiện nay chúng ta đang áp dụng là cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu C/O form EUR.1. Tuy nhiên, về mức thuế thì chúng ta vẫn được phép lựa chọn. Nghĩa là trong vòng 5 năm tiếp theo chúng ta được phép lựa chọn mức thuế nào ưu đãi hơn thì chúng ta sử dụng mức thuế đó, nhưng mà cơ chế về quy tắc xuất xứ là theo Hiệp định EVFTA chứ không áp dụng theo cơ chế GSP nữa.
PV: Như vậy thì bà có lời khuyên như thế nào đối với các doanh nghiệp để có thể tận dụng được các ưu đãi cũng như những điều kiện bắt buộc của EVFTA từ đầu năm tới?
Bà Nguyễn Cẩm Trang: Để tận dụng cơ hội của Hiệp định thì chúng ta phải hiểu rõ Hiệp định. Do vậy, việc nắm bắt các quy định bao gồm cả các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ cũng như theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng thì tôi cho rằng các doanh nghiệp sẽ tìm được cơ chế ưu đãi tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn, để qua đó chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu. Điều quan trọng là khi lựa chọn mức thuế như thế, chúng ta có đáp ứng được quy tắc xuất xứ hay không, và chúng ta có sự điều chỉnh gì về nguồn cung cũng như sản xuất để có thể đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ, để có thể tận dụng được cơ hội cắt giảm thuế quan.
Ngoài ra thì không chỉ là câu chuyện về quy tắc xuất xứ mà là câu chuyện là đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về lao động cũng như những yêu cầu của thị trường EU đối với mặt hàng mà chúng ta sản xuất. Chẳng hạn đối với mặt hàng gỗ thì chúng ta phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của gỗ theo quy định, hoặc là đối với thủy sản cũng vậy. Chúng ta đã có những bài học liên quan đến thẻ vàng IUU đối với thủy sản, thì đấy là những vấn đề mà chúng ta rất cần phải quan tâm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.
Nguyên Long/VOV1