Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về việc Quốc hội đưa Luật Đất đai (sửa đổi) ra bàn thảo tại kỳ họp này?
Trong thời gian qua việc thực hiện Luật đất đai 2013 còn có nhiều vướng mắc, cử tri và nhân dân nhiều tỉnh gửi đơn thư khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức tiếp xúc cử tri, cử tri và Nhân dân gửi gắm rất nhiều ý kiến để đóng góp vào Luật đất đai (sửa đổi); trong đó tập trung vào các nội dung; những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện Luật đất đai 2013 như quy định về định giá đất; việc xác định bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết tranh chấp đất đai… những bất cập là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, những đoàn biểu tình đông người.
Với mong muốn sửa đổi các quy định trong Luật đất đai nhằm hướng tới đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên giữa nhà nước với doanh nghiệp và người dân; các nội dung góp ý vào dự án Luật để hướng tới làm sao tiếp cận gần nhất những quy định trong Nghị quyết 18-NQ/TƯ. Luật đất đai sửa đổi sẽ quy định một cách cụ thể, chi tiết nhiều nội dung quan trọng, để giải quyết được căn cơ những vướng mắc phát sinh trên thực tế hiện nay. Giúp cho Luật đất đai (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ thực sự đi vào cuộc sống và giải quyết được hài hòa các cái mối quan hệ đảm bảo lợi ích cao nhất của người dân có đất bị thu hồi. Tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Cử tri và nhân dân cả nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật đất đai lần này. Vì vậy, việc Quốc hội quyết định đưa nội dung lấy ý kiến đóng góp vào Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này và 2 kỳ họp tiếp theo có ý nghĩa rất quan trọng. Những ý kiến góp ý của ĐBQH, các chuyên gia, cử tri và Nhân dân vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); với mong muốn sẽ giải quyết căn bản những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển, có thu nhập cao.
Theo bà, có nên tách bạch việc thu hồi đất công phục vụ các công trình như trường học, y tế, khu vui chơi với một giá khác. Còn những công trình như trung tâm thương mại, khu chung cư một giá khác hay không?
Thực tế thời gian qua, những dự án để phục vụ mục tiêu lợi ích công cộng, phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia khác thì luôn được người dân đồng thuận và ủng hộ cao, với mong muốn đất nước pháp triển và có nhiều công trình công cộng quan trọng phục vụ lợi ích của Nhân dân. Thực tiễn cho thấy, giá đất đền bù cho những dự án này cũng thực hiện theo đúng cái quy định của pháp luật và Nhà nước sẽ đứng ra để thu hồi đất, giá đền bù và các điều kiện khác đều được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, đối với các dự án kinh doanh, phân lô, bán nền hoặc những dự án để làm trung tâm thương mại, mục đích thu lại những nguồn lợi cho một nhóm đối tượng thì thường gặp phải những phản ứng từ phía người dân. Bởi vì, giữa giá đền bù cho người dân so với giá thực tế khi mà các doanh nghiệp bán tại các dự án có sự chênh lệch rất cao. Chính vì vậy, người dân cảm thấy có sự thiệt thòi. Nguyên nhân của khiếu kiện, tập trung đông người xuất phát từ đây.
Do đó, tôi mong muốn trong dự thảo luật tới đây, các dự án liên quan đến đất thực hiện các mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục tiêu về quốc phòng, an ninh sẽ phân thành một nhóm để Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Nhà nước đền bù thỏa thuận với dân, để tạo đất sạch, cho chúng ta thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh. Còn đối với những dự án thương mại, những dự án sau này sẽ thực hiện việc phân lô, bán nền thì các doanh nghiệp sẽ phải đứng ra để tự thỏa thuận với người dân. Để làm sao sau khi bị thu hồi đất đai, người dân cũng không bị thiệt thòi, giá đất sẽ bám sát được với giá thị trường theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương, tạo được sự tương đồng và tránh được đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Để Luật đất đai sửa đổi lần này đi được vào cuộc sống, theo bà cần sửa đổi những gì?
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi với mong muốn dự án khi triển khai thực hiện đều phải có đất sạch để tái định cư cho những người dân với mục tiêu là đất tái định cư thì phải là những nơi bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Với mong muốn này, tôi nghĩ rằng Luật đất đai sửa đổi lần này sẽ bỏ khung giá đất theo quy định của luật cũ và bám sát được với giá thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất băn khoăn; căn cứ thế nào để xác định mức giá thị trường trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể được sát đúng. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.
Xin cảm ơn bà!
Ánh Phương (thực hiện)