Khiếu kiện nhiều vì chưa hài hòa lợi ích
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, nội dung liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 64,6% tổng số vụ việc khiếu nại thời gian qua. Còn theo báo cáo công tác năm 2022 của ngành Tòa án nhân dân, các vụ án chủ yếu liên quan đến khiếu kiện về quản lý đất đai chiếm khoảng 78,7% tổng số các vụ việc khiếu kiện. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, TP Hà Nội, “ở Việt Nam, hầu hết các tỷ phú giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô, tham nhũng lớn và rất lớn có liên quan đến xà xẻo đất đai”. Sở dĩ có tình trạng này là do chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập. Hiện đang tồn tại hai hình thức thu hồi đất là bắt buộc và tự nguyện. Bắt buộc với cơ chế nhà nước thu hồi đất, 100% người bị thu hồi đất phải chấp hành, tự nguyện thì nhà đầu tư dự án phải thương thảo với người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhà đầu tư tư nhân núp lưng nhà nước, thu hồi-đền bù giá đất nông nghiệp để bán ra giá đất thổ cư. Người dân bị thu hồi hàng ngàn m2 đất, để rồi sau đó không thể mua nổi một trăm m2 ngay trên khu đất ấy. Điều này là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện tăng cao.
Đại biểu Thạch Phước Bình, Trà Vinh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai làm gia tăng căng thẳng xã hội, đó là do thiếu hài hòa lợi ích trong chính sách đền bù, thu hồi đất, kẻ được, người mất quá chênh lệch. Giá trần của bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh giá trị thực tế của đất, chưa tính đến biến động liên tục của thị trường, cán bộ lạm quyền nhằm vụ lợi, nhà đầu tư thì vung tiền thâu tóm đất giá rẻ rồi bỏ hoang, hoặc mua đi bán lại khiến giá bất động sản tăng cao nhưng không tạo ra giá trị cho nền kinh tế, người dân thì chịu thiệt khi phải bàn giao đất cho Nhà nước.
Còn đại biểu Tô Văn Tám, Kon Tum khẳng định, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước. Nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm. Mặt khác, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính. Do vậy, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.
Gây tiêu cực, mất niềm tin và gây bất ổn trong xã hội
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Bình Phước khẳng định, nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm. Nếu thu hồi đất để doanh nghiệp làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân. Việc làm này do chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền không nên làm rồi lại giao mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay, nảy sinh rất nhiều khiếu kiện kéo dài mà Nhà nước đang phải gồng mình khắc phục, xử lý.
Thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, mục đích quốc phòng ở đây cũng phải quy định rõ, không quy định chung chung, phải quy định khu vực nào là quốc phòng, khu vực nào để kinh doanh. Việc thu hồi đất vì mục đích phúc lợi công cộng cũng phải rõ. Riêng giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TP. HCM nêu quan điểm, tôi đánh giá cách thu hồi đất của chúng ta không công bằng và làm hư cán bộ, làm mất cán bộ. Bởi đôi khi người ta sẽ lạm dụng quyền cưỡng chế, thu hồi của Nhà nước để trưng dụng đất với một cái giá rất là rẻ nhưng sau đó bán cho lại với giá rất cao. Thu mua đất nông nghiệp với giá rẻ vài ngàn đồng thậm chí không bằng một tô phở một mét vuông nhưng sau đó chỉ cần vài động tác trên giấy tờ để nó thành một đối tượng khác, chuyển sang cho doanh nghiệp với giá lên đến trời. Sau đó, doanh nghiệp san lấp rồi làm thêm nhà cửa, hay công trình giao thông thì lúc đó là giá tính tiền tỷ.
Thu hồi đất thành một phong trào ở đâu cũng thích thu hồi và thu hồi theo kiểu bằng giá bao cấp. Sau đó nếu như diện tích đất thu hồi làm những công trình công cộng thì người dân cũng được an ủi phần nào nhưng chủ yếu sẽ chuyển cho các doanh nghiệp để từ đó phục vụ cho mục tiêu thương mại. Đã có những người giàu lên nhờ đất nhưng những người đấy thì chả có dính dáng gì đến cái mảnh đất đó. Trong khi những người chủ sở hữu những mảnh đất đấy từ thời ông cha họ lại không được hưởng lợi khi giá đất tăng lên.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp:
Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc phòng, quốc gia, công cộng, an ninh, quốc phòng, đề nghị tách bạch ra khỏi các dự án có sinh lợi, có chênh lệch địa tô của nhà đầu tư, như khu đô thị, khu trung tâm thương mại, khu dân cư, dự án chỉnh trang đô thị, để phân biệt dự án cho mục đích công cộng và dự án có sinh lợi, để dễ dàng cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân khi bị thu hồi đất, không để đánh đồng các dự án có chênh lệch địa tô cao với các dự án phục vụ công cộng được. Đồng thời, cũng quy định tiêu chí, điều kiện thu hồi đất phục vụ kinh tế - xã hội, công cộng, quốc phòng, an ninh cho rõ ràng, để tránh lạm dụng phục vụ cho mục đích khác, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
|
“Tỉnh nào cũng ồ ạt kiểu thu hồi này vì đương nhiên mua vào rẻ mà bán ra thì đắt, thu một nguồn lợi lớn như vậy thì ai chịu bỏ. Điều này dễ gây tiêu cực, mất niềm tin và gây bất ổn trong xã hội. Nhìn xem có quốc gia nào trên thế giới làm giống mình không? Theo tôi, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp cho an ninh quốc phòng. Còn ngay cả thu hồi đất công cộng Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư nhưng vẫn phải thương lượng với người dân theo giá thị trường. Thu hồi đất quốc phòng an ninh cũng phải minh bạch, rõ ràng chứ không phải muốn cắm chỗ nào thì cắm. Chúng ta đã có rất nhiều bài học từ cải cách ruộng đất ngày xưa rồi”, đại biểu Phong Lan thẳng thắn chia sẻ.
Như vậy, thu hồi đất cần cụ thể, rõ ràng các điều kiện, tiêu chí, phân biệt rõ giữa mục đích vì lợi ích quốc gia công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần. Có minh bạch trong thu hồi đất như vậy mới tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Hải Dương:
Thu hồi đất để làm các công trình công cộng, các công trình văn hóa giáo dục cho toàn dân được hưởng khác với thu hồi đất giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bán lại. Hai cái đấy mục đích khác nhau nhưng giá đền bù hiện nay là như nhau. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng là các doanh nghiệp không mặn mà với các dự án đất dành cho văn hóa giáo dục và đất dành công cộng bởi vì lợi nhuận rất ít. Họ chỉ quan tâm đến đất để phát triển những khu dân cư, khu đô thị. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng và các khu đô thị mới, khu dân cư mọc lên nhan nhản và chủ yếu là phân lô bán nền. Nên chăng, phần đất dành cho văn hóa giáo dục và các công trình công cộng thì Nhà nước phải hỗ trợ nhất định hoặc các nhà đầu tư vào các cái dự án đất đai khác mục đích công cộng thì phải có trách nhiệm đối với phần đất dành cho các cái công trình công cộng như thế sẽ hài hòa lợi ích của cả người dân lẫn nhà đầu tư.
|