Hoài Đức đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4

  • 17/11/2022 08:45:07
  • Nhóm Phóng viên
  • Kinh tế
  • 0

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; trong đó huyện Hoài Đức (HN) có diện tích đất phải thu hồi lớn nhất.

 

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng diện tích đất khoảng 1.341ha, trong đó TP Hà Nội 741ha. Huyện Hoài Đức (Hà Nội) có diện tích đất đai phải thu hồi vào loại lớn nhất. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức.

Sẵn sàng di dời khi chưa nhận được tiền

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn huyện để thực hiện dự án khoảng 236,67ha. Trong đó, số hộ bị thu hồi đất khoảng 6.320 hộ; số hộ cần bố trí tái định cư là 115 hộ. Số mộ chí phải di chuyển khoảng 3.526 ngôi.

Để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội đã bàn giao 339 mốc giới diện tích 108,75ha tại thực địa đối với 10 xã. Chủ đầu tư chưa bàn giao mốc giới tại các nút giao với Quốc Lộ 32, trục Hồ Tây - Ba Vì, Đại lộ Thăng Long, xã Đức Giang và vùng bãi Sông Đáy tại xã An Thượng, An Khánh, một phần xã Song Phương. Đã có 5 xã hoàn thành công tác đo đạc, bản đồ; 5 xã cơ bản xong, còn 2 xã đang thực hiện đo đạc, quy chủ là xã An Thượng, xã An Khánh (do chưa được bàn giao mốc giới). UBND huyện đã phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển mộ chí đối của 453 hộ trên địa bàn 09 xã, với tổng số 1.360 ngôi mộ, số tiền 13,5 tỷ đồng

Theo ông Cao Văn Toàn - Giám đốc trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức: "Cùng với việc bố trí đất ở, xây dựng các khu tái định cư thì Hoài Đức cũng tiến hành chỉnh trang các nghĩa trang có mộ chí nằm trong phạm vi dự án được phê duyệt. Để thực hiện đúng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người Việt, chúng tôi vận động người dân đồng hành, thực hiện xong việc di dời mộ chí trước tết Nguyên đán 2023. Hiện nay, mặc dù các hộ có mộ chí nằm trong vùng quy hoạch của dự án chưa được nhận tiền đền bù, nhưng chúng tôi đã phối hợp tổ chức di chuyển được 255 ngôi. Khoảng 50% số hộ ra ký đồng thuận về thực hiện đền bù đất. Theo cam kết của huyện với thành phố thì trong năm 2022 sẽ tổ chức giải ngân khoảng trên 1000 tỷ đồng đền bù, giải phóng mặt bằng".

Cũng theo ông Cao Văn Toàn, huyện Hoài Đức đã làm những bộ "cẩm nang" pháp luật đưa tới từng thôn, xóm để các cán bộ thôn, xóm có thể dựa vào đó giải thích cho người dân hiểu đúng quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, đền bù, GPMB. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và của cả cộng đồng, người dân ở những khu vực nằm trong diện thu hồi đất hiểu rõ hơn về lợi ích mà tuyến đường Vành đai 4 vùng Hà Nội mang đến cho cả cộng đồng và xã hội, cũng như cho từng người dân.

Rà soát, quy hoạch, hoàn thiện bản đồ giải phóng mặt bằng tại xã Song Phương

Đồng thuận để cùng phát triển

Mới đây, UBND huyện Hoài Đức phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500. Theo Quyết định số 4091 ngày 28/10/2022 của UBND TP Hà Nội, khu vực điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 đoạn đi ngoài đê sông Đáy hiện trạng, điểm đầu (điểm A) cách nút giao với Đại lộ Thăng Long khoảng 1.200m, điểm cuối (điểm B) cách tuyến đê sông Đáy tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức khoảng 170m; chiều dài đoạn tuyến nghiên cứu điều chỉnh khoảng 5,8km. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức là ông Trần Văn Nghĩa đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP phối hợp với huyện sớm tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa, từ đó làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo GPMB dự án. Các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi và thường xuyên về nội dung công việc cần triển khai trong thời gian tới để người dân hiểu, nắm rõ, tạo sự đồng thuận cao.

Huyện Hoài Đức xác định cụ thể trong nửa cuối tháng 11/2022, UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, di chuyển mộ chí và tổ chức chi trả trên địa bàn xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, La Phù, Đông La; Yêu cầu UBND các xã trình UBND huyện ban hành thông báo thu hồi đất tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn các xã đã nhận bàn giao mốc giới GPMB tại thực địa; Tổ chức họp dân, kê khai, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất; Lập, niêm yết dự thảo, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ có đất nằm trong chỉ giới GPMB đồng thuận thu hồi đất; Ban hành thông báo thu hồi đất đến các hộ gia đình trên địa bàn huyện; Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tổ chức chi trả đối với đất nông nghiệp diện tích khoảng 50 ha, số tiền 525 tỷ đồng./.

UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín; Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tăng tính chủ động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao, song song với quá trình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1.1, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng trên địa bàn của từng quận, huyện trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn từng quận huyện trước ngày 31-12-2023.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận