Đại biểu Quốc hội chỉ rõ, để hạn chế việc cài cắm thông tin trong đấu thầu, luật hiện hành cũng như luật dự thảo thì chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu", còn cài cắm như thế nào thì cũng không nói”.
Thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng cũng chỉ bình quân hơn một hồ sơ, điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính ở đây, có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia. Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin, luật hiện hành cũng như luật dự thảo thì chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu", còn cài cắm như thế nào thì cũng không nói”.
Chính vì vậy, đại biểu nghị để tránh cài cắm thông tin phải quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu phải như thế nào là không cài cắm thông tin. Trong luật mới đã có bổ sung Điều 41, nói về hồ sơ mời thầu, trong đó có 1 phần nội dung liệt kê gồm những loại tài liệu gì và phần thứ hai cũng chỉ nói không được cài cắm thông tin nhưng cũng không nói cụ thể.
Về việc đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đấu thầu mua sắm tập trung nhằm mục tiêu, nếu từng đơn vị có thể mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa thì mua sắm tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn được nhà cung cấp tốt hơn. Như vậy, đấu thầu mua sắm tập trung không có nghĩa là triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm. Theo đại biểu, kết quả đấu thầu mua sắm tập trung được dùng vào 2 mục đích. Mục đích thứ nhất, để mua sắm thay cho đơn vị đã đăng ký, không cần phải tự mua sắm nữa, đăng ký rồi thì sẽ dựa vào kết quả đó để nhận sản phẩm.
Kết quả thứ hai khi đã có được thông tin về giá cả, chủng loại hàng hóa thông qua đấu thầu mua sắm tập trung, đây chính là thông tin tham chiếu để những đơn vị khác khi chưa đăng ký đấu thầu mua sắm tập trung có thể dùng các thông tin này để mua sắm hàng hóa của những đơn vị khác cung cấp với điều kiện là hàng hóa đó phải cung cấp với giá không được vượt quá, tiêu chuẩn kỹ thuật không được thấp hơn, thời gian không được kéo dài hơn. Như vậy sẽ giải quyết được tất cả những chờ đợi phải đến kỳ mới được mua sắm tập trung.
Cần quy định rõ về tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đấu thầu mua sắm là công việc hết sức là phức tạp, tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu như thế nào, không phải ai cũng hiểu được hàng hóa ra làm sao, không phải ai cũng hiểu được thị trường trong nước, thế giới như thế nào. Do vậy, đấu thầu cần phải có những người rất chuyên nghiệp.
Trong quy định của dự thảo luật, chỉ có 1 điều duy nhất nói về tổ chuyên gia về đấu thầu, không nói rõ tổ chuyên gia này tiêu chuẩn ra sao mà chỉ nói tổ chuyên gia trách nhiệm làm gì. Do vậy, tôi đề nghị trong Luật Đấu thầu cần phải quy định có tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.
"Tôi đề nghị quy định thật rõ tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp này tiêu chuẩn ra sao, người nào là người đủ tiêu chuẩn để tham gia đấu thầu chuyên nghiệp này. Tổ chức này sẽ trở thành một tổ chức có thể làm thay thế cho những đơn vị không quen trong đấu thầu, có thể thông qua tổ chức này sẽ nhận trách nhiệm tổ chức đấu thầu. Nếu làm được việc này, sẽ tránh được tình trạng như thời gian vừa qua, rất nhiều đơn vị như y tế, như giáo dục không mua sắm được hàng hóa bởi không quen đấu thầu, thậm chí nếu không quen mà đấu thầu có khi làm sai, vi phạm. Cho nên tôi cho rằng chúng ta nên có tổ chức này, giống như chúng ta đã quy định tổ chức định giá chuyên nghiệp ở trong Luật Giá”, ông Cường nhấn mạnh.
Đặc biệt, liên quan đến phần thẩm định, ông Cường cho biết, hiện nay đang quy định là có một đơn vị lập hồ sơ xong lại có một đơn vị thẩm định, có đơn vị chấm hồ sơ xong lại có đơn vị thẩm định. Việc quy định này có vẻ như khách quan nhưng trên thực tế sẽ dẫn đến tình trạng không biết trách nhiệm thuộc về ai nếu như hồ sơ đấy không chuẩn hoặc đấu thầu không đạt kết quả, như vậy dẫn đến chuyện vô trách nhiệm.
Chính vì đại biểu kiến nghị phải quy định rất rõ cơ quan thẩm định, nếu đã có thì phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đấu thầu sai, còn nếu không quy định được thì nên bỏ cơ quan thẩm định và cơ quan đứng ra lập hồ sơ tổ chức đấu thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng. “Nếu anh làm chưa tốt thì anh phải nhờ các chuyên gia để kiểm tra lại và công tác kiểm tra là một công tác thường xuyên của người quản lý trước khi ký quyết định. Tôi cho rằng không nên quy định có nhiều cơ quan cùng tham gia vào và không rõ trách nhiệm”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng quan điểm cho rằng, đối với các cơ quan thẩm quyền quy định còn khá chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong kiểm tra, thanh tra cũng như phê duyệt kết quả, hủy kết quả chọn thầu và chỉ định thầu.
Về trách nhiệm của tổ chuyên gia, tổ thẩm định. Đề nghị làm rõ tính pháp lý, tiêu chuẩn của từng thành viên để khi có sự cố xảy ra dễ dàng xử lý và giải trình cho đủ, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
"Không phải lĩnh vực nào đấu thầu cũng công bằng"
Đại biểu đoàn Đồng Tháp thẳng thắn cho biết, trong thực tế, không phải lĩnh vực nào đấu thầu cũng công bằng, khách quan, hiệu quả về tài chính mà chỉ định thầu có giảm giá cũng có thể mang lại hiệu quả về kinh tế. Nếu những lĩnh vực không thuộc phạm vi điều chỉnh thì áp dụng vào quy định của pháp luật là dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ hoặc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, như vậy là thu hẹp phạm vi điều chỉnh, có thể thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị giữ quy định theo luật hiện hành.
Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, Điều 6 có quy định "nhà thầu tham dự thầu độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính" nhằm đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, ở khoản 4 lại quy định "nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng những điều kiện trên", đề nghị nhà thầu được chỉ định cũng phải đáp ứng điều kiện này, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức cho việc chỉ định.
Về ưu đãi trong việc chọn thầu là rất cần thiết, tuy nhiên, chỉ nên quy định một số hàng hóa đặc thù, hàng hóa khuyến khích sản xuất trong nước, không quy định chung mà nên cụ thể hơn để dễ thực hiện, để không tùy tiện áp dụng. Ngoài ra, việc quy định chi tiết Chính phủ cũng cần phải rõ ràng về những nội dung ưu đãi để chọn nhà thầu cho khách quan, công bằng, minh bạch, tránh đối tượng lợi dụng ưu đãi thông đồng với các nhà thầu khác có thể tiêu cực, trong đó có ưu đãi gói thầu xây lắp đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giá trị dưới 5 tỷ.
Về hành vi bị cấm, liệt kê trong luật là rất cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát các hành vi bị cấm theo từng nhóm để dễ áp dụng trong thực tiễn theo nhóm hành vi chung, người có thẩm quyền, người có ảnh hưởng, chủ đầu tư, chuyên gia, tổ chấm thầu, nhà thầu. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hành vi cản trở trong đấu thầu, vì hành vi này thực tế đã diễn ra rất đa dạng, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu và đề nghị bổ sung những hành vi nhà thầu lập công ty con để tham gia đấu thầu, vì hiện tượng này ở nước ta không phải là lợi ích./.
Theo VOV.VN