Hiện nay, nhiều DN ở TP.HCM đang trong tình trạng bị giảm đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu và ngân hàng tăng lãi suất đối với vốn vay. Điều này khiến DN gánh chịu khó khăn “kép”.
Giãn, giảm giờ làm để giữ lao động
Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) có hơn 3.200 lao động làm việc ở các nhà máy tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. DN này xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Mỹ và châu Âu. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, DN chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.
Đang là mùa cao điểm sản xuất nhưng đơn hàng giảm đột ngột từ 40-50%. Trong đó, riêng các mặt hàng Jean thời trang, sản phẩm chủ lực của DN, đơn hàng giảm đến 80%. Từ chỗ luôn có đơn hàng đặt trước từ 3-6 tháng, hiện Việt Thắng Jean làm đơn hàng cho từng tháng và giãn, giảm thời gian làm, cho công nhân làm việc luân phiên. Công nhân giảm từ 26 ngày làm việc/tháng xuống còn khoảng 13 ngày/tháng.
“Đợt này DN gặp khó khăn bất ngờ vì đầu ra giảm rất mạnh. Dự báo đơn hàng sắp tới cũng rất khó khăn, có thể có đơn hàng nhưng vẫn sản xuất theo tháng, không có đơn hàng cụ thể cho dài hạn. Hiện DN chưa có kế hoạch sản xuất 3 tháng, 6 tháng như trước đây, dự báo phải hết quý I/2023 hy vọng đơn hàng mới dần trở lại bình thường”, ông Việt chia sẻ.
Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh là khó khăn chung của nhiều DN sản xuất, xuất khẩu ở TP.HCM. Cụ thể như Công ty TNHH Han Sea, chuyên gia công hàng may mặc; Công ty Thương mại Hoàng Nhân sản xuất sản phẩm nhựa xuất khẩu... đã phải giảm hàng ngàn lao động vì thiếu đơn hàng. Còn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố, hiện đã có 81 DN bị giảm đơn hàng nên phải giảm, giãn giờ làm cho nhiều lao động.
Cần có giải pháp hỗ trợ DN
Cùng với đơn đặt hàng giảm mạnh là khó khăn do lãi suất vay của ngân hàng đang tăng cao. Một số DN cho biết, nhiều ngân hàng đã thông báo vốn DN đang vay sẽ điều chỉnh tăng lãi suất từ ngày 15/11 tới, với mức điều chỉnh tăng thêm từ 2-3%/năm, còn lãi suất cho vay mới có thể lên đến 10% -13%/năm và rất khó vay được trong thời điểm này. Dòng tiền thanh toán từ đối tác của DN xuất khẩu cũng chậm hơn trước do tiêu thụ chậm. Trước thực trạng này, nhiều DN kiến nghị ngân hàng nên giãn nợ cho DN và nới room cho vay mới.
Ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty Thorakao kiến nghị, hiện nay những DN vừa và nhỏ, nhất là DN mới rất khó khăn do ảnh hưởng lãi suất ngân hàng tăng cao. “Lãi suất cao như vậy DN rất khó làm ăn và ảnh hưởng trực tiếp đến DN sản xuất. Chính phủ cần phải có chính sách về vấn đề này để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn”, ông Trân nêu ý kiến.
Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đang theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời hỗ trợ DN. Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết, trước mắt, Hepza sẽ đi khảo sát tình hình về đơn hàng của DN trong năm 2023.
“Hepza sẽ tổ chức các buổi đối thoại với các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cuối năm 2022, Hepza cũng tăng cường nắm bắt vấn đề trả lương, thưởng cho người lao động, đồng thời tổ chức đoàn khảo sát các DN chậm lương, nợ bảo hiểm xã hội để phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất để có hỗ trợ cho người lao động”, bà Thư cho biết.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều DN ở TP.HCM buộc phải thu hẹp sản xuất nhưng vẫn cố gắng giữ lao động. Các DN mong muốn Chính phủ điều hành lãi suất ngân hàng hợp lý và có chính sách hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, vượt qua khó khăn./.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM