Nam Định: OCOP - giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

  • 11/11/2022 03:51:12
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu cao cho chương trình OCOP, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng về chất lượng

 

Chương trình OCOP được tỉnh Nam Định xác định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Nam Định đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống làng nghề, quan tâm đầu tư, cải tiến, nâng cấp sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP.

Khơi dậy phong trào khởi nghiệp

Tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng về chất lượng. Ngay từ giai đoạn đầu tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo được sự lan toả sâu rộng. Các phong trào thi đua, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cá nhân tham gia, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ như: Ngày phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”; Ngày hội “Thanh niên Nam Định với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tổ chức Đoàn đã quan tâm hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó trọng tâm là phát huy thế mạnh nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP…

Chị Bùi Thị Phượng, Giám đốc DN tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu cho biết: “Chương trình OCOP đã góp phần khuyến khích, động viên rất lớn cho DN trong quá trình sản xuất. Từ khi đạt chỉ tiêu OCOP của tỉnh, thương hiệu của chúng tôi được khách hàng tin tưởng sử dụng”.

                         Nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trong các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định, sau hơn 3 năm triển khai, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm là nghêu thịt đóng hộp Lenger và gạo sạch Toản Xuân đang được hỗ trợ hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn 5 sao). Trong số này, nhóm hàng thực phẩm dẫn đầu với 231 sản phẩm, còn lại là 13 sản phẩm đồ uống, 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn. Về số lượng chủ thể sản phẩm OCOP: Tổng số có 134 cơ sở sản xuất của 10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP, trong đó có 50 DN, 30 HTX và 54 hộ kinh doanh…

Để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, Nam Định tổ chức các lớp tập huấn cho học viên là thành viên của các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Học viên được giảng viên là chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP của Trung ương truyền đạt các nội dung: kỹ năng, năng lực về quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP,….

Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 9 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện và thành phố Nam Định. Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xây dựng và đưa vào vận hành website Chương trình OCOP của tỉnh “OCOPnamdinh.vn”; triển khai thí điểm chiến dịch truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các du khách đến Nam Định. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên các trang thương mại điện tử (trên 100 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tạo gian hàng trên sàn thương mại Posmart.vn và voso.vn) và các mạng xã hội. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được ưu tiên trưng bày, bán tại hệ thống cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định.

Tiềm năng, lợi thế còn rất lớn

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất kinh doanh, do đó đã tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình. Tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn, nhưng có nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Công tác tuyên truyền nhận thức Chương trình OCOP ở cơ sở còn hạn chế; Sự liên kết sản xuất và chế biến tiên thụ chưa chặt chẽ; Số lượng sản phẩm OCOP không đồng đều giữa các địa phương; số lượng sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới còn hạn chế; phương án kinh doanh của nhiều chủ thể ít đổi mới; Sự cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ rệt và khác biệt; Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và kênh bán hàng các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng chưa đa dạng…

                     

Trong thời gian tới, Nam Định phấn đấu có trên 300 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Tỉnh củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP, nâng cao thương hiệu OCOP Nam Định; phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…); 15% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đưa ra giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình OCOP; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP, các nội dung, vai trò ý nghĩa của chương trình, kết quả thành công của một số sản phẩm OCOP.

Nam Định cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website Chương trình OCOP của tỉnh; tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình; khuyến khích hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm làng nghề và đặc sản truyền thống của các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.

Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định: “Triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển các phương án sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận