Lãi suất tăng gây áp lực lên lãi vay

  • 26/12/2018 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất, theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng liên tục sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay.

 

Đồng loạt tăng lãi suất

Số liệu tổng hợp từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho biết, lãi suất qua đêm liên ngân hàng dao động ở mức 4.85%/năm trong suốt tuần và chỉ giảm nhẹ về 4.69%/năm vào ngày cuối tuần khi Ngân hàng Nhà nước “bơm ròng” 2.374 tỷ đồng. Trên thị trường, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục có bước điều chỉnh tăng, hiện ở mức 8,4%-8,8% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các chuyên gia nhận định, lãi suất huy động tăng liên tục trong 1 tháng gần đây sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Nhu cầu tiền đồng lớn vào thời điểm cuối năm sẽ khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại tiếp tục căng thẳng, vì vậy lãi suất khó có thể giảm.

Theo khảo sát, từ đầu tháng 12 các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức trần 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng - 12 tháng dao động ở mức 5,7-7,6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng -24 tháng trở lên có mức lãi suất từ 7,6%- 8,6% tuỳ thời hạn, số tiền gửi. Cụ thể tại ngân hàng Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng mức lãi suất 8,6%/năm với kỳ hạn từ 12 - 24 tháng. Tại PVcomBank (NH TMCP Đại chúng) lãi suất 8,4%/năm với kỳ hạn 13 tháng là 8,5%/năm. SeABank (NH TMCP Đông Nam Á) lãi suất 8,2%/năm với số tiền gửi lớn và kỳ hạn 14 tháng. Tại TP Bank, với số tiền 100 tỷ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi 8%/năm và 24 tháng là 8,4%/năm. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn thu hút khách hàng bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hoặc cộng lãi suất ngoài cho kỳ hạn từ 12 tháng trở đi. Với mức tăng lãi suất này, các chuyên gia lo ngại, đây là mức lãi suất huy động trung dài hạn cao nhất trong 3 năm qua. Điều này dễ dẫn đến cuộc “chạy đua” tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng và gây áp lực lên lãi suất cho vay.

Lý giải về nguyên nhân của việc tăng lãi suất này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do áp lực thanh khoản tăng khi bước vào quý 4 thời điểm nhu cầu thanh toán, sản xuất kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm. Để huy động vốn đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn. Đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19/2018 của ngân hàng Nhà nước. Vì vậy các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn nhiều hơn, kể cả ngắn, trung và dài hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp hai nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực an toàn vốn theo Hiệp ước về vốn Basel II trong thời gian tới.

Sẽ “tuýt còi”nếu lãi suất tăng cao

Theo giới chuyên môn, khi lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay từ các ngân hàng sẽ tăng. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn của một số ngân hàng thương mại đã tăng lên 9,5%/năm, còn lãi suất cho vay trung hạn tăng lên 11%/năm và dài hạn ở mức 13-14%/năm. Đây là lãi suất khá cao, so với các ngân hàng có vốn Nhà nước và các ngân hàng trong khu vực. Trong khi đó, hiện các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang cho vay trung dài hạn với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì lãi suất phổ biến từ 9,3-10,3%/năm. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ những ngân hàng lớn, thường phải tìm đến những ngân hàng nhỏ với lãi suất cao hơn để vay vốn, do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính, từ đó tăng chi phí sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Sẽ “tuýt còi” nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý.

Anh Mai Ngọc Hưng, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Hà Nội cho biết, công ty anh không thể tiếp cận được các ngân hàng lớn, chỉ có thể tìm đến những ngân hàng nhỏ. Vốn vay dài hạn năm đầu thấp nhất là 9%/năm. Nhưng năm sau bị đẩy lên khoảng 11-12%. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ từ 8- 10%. Sức ép từ tăng lãi suất cho vay khiến một số doanh nghiệp như anh không dám vay vốn và phải từ chối các đơn hàng đồng thời không thể mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đại diện của bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động tăng liên tục trong 1 tháng gần đây sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay với độ trễ khoảng 3 tháng. Nhu cầu tiền đồng lớn vào thời điểm cuối năm sẽ khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại tiếp tục căng thẳng, vì vậy lãi suất khó có thể giảm.

Sẽ “tuýt còi” nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý. Anh: trube

Trước làn sóng tăng lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Sẽ “tuýt còi” nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý.

Các chuyên gia cũng nhận định, về cơ bản, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh. Bởi Chính phủ đang nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định. Nhưng để làm được điều này, các chuyên gia khuyến cáo, Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ tăng giá các mặt hàng cơ bản trong nước; đồng thời phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá để không đẩy mặt bằng lãi suất lên.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận