Việt Nam tự chủ được 70% nguồn cung, có 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, 17 nghìn cửa hàng bán lẻ nhưng vẫn xảy ra tình trạng “khát” xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành. Sự thật là gì và đâu là lời giải cho thực trạng này?
Những bất ổn
Sau các động thái quyết liệt của Bộ Công thương, tạm dừng rút giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở ba miền Bắc - Trung - Nam, cùng chuyến vi hành của Bộ trưởng Bộ Công thương… thì thị trường xăng dầu những ngày qua vẫn bất ổn. Dù Việt Nam tự chủ được 70% nguồn cung, có 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, 17 nghìn cửa hàng bán lẻ nhưng vẫn xảy ra tình trạng “khát” xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Điều gì đang xảy ra với thị trường xăng dầu?
Chiều ngày 8/11, một chủ cửa hàng xăng dầu trên đường Quốc lộ 1A, Hà Nội tâm sự: “Trước bán được nhiều xăng dầu thì lãi, nay thì càng bán càng lỗ. Doanh nghiệp đầu mối trả mức chiết khấu đối với dầu là 0 đồng/lít, xăng 102 đồng/lít đang đẩy cửa hàng vào tình cảnh thua lỗ, thu không đủ chi, nguy cơ đóng cửa trong nay mai…”.
Hơn 20 năm kinh doanh xăng dầu, với chị có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất. Cũng theo chị này, mức chiết khấu phải trên 500 đồng/lít thì cửa hàng mới có lãi.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu xin giấu tên cho hay, trong kinh doanh xăng dầu thì quan trọng nhất là nguồn cung, chiết khấu, giá bán nhưng cả ba yếu tố này đều bất ổn thời gian qua. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này than vãn, trong khi thị trường xăng dầu thế giới đang có những diễn biến bất thường, dị biệt, nguồn cung khan hiếm, giá cả diễn biến bất thường thì sự điều hành của liên Bộ Công thương và Tài chính chưa thực sự linh hoạt.
Thực tế là chi phí kinh doanh chưa được tính đủ và việc cơ quan quản lý nhà nước chậm điều chỉnh các chi phí kinh doanh, kìm giá khiến bất ổn gia tăng đối với thị trường xăng dầu trong nước.
Để hạn chế khó khăn, thua lỗ, các doanh nghiệp đầu mối đã cắt giảm chiết khấu cho đại lý bán lẻ ở mức thấp, có lúc bằng 0 đồng. Hệ quả là các cửa hàng bán lẻ càng bán càng lỗ, nên dễ hiểu vì sao họ ngưng hoạt động khiến người dân khó mua được xăng dầu.
Không đẩy được hàng đến cửa hàng bán lẻ tư nhân, những ngày qua ghi nhận lượng bán ra trên hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp đầu mối đang tăng lên. “Trong khi chờ đợi điều chỉnh từ các cơ quan chức năng, các cửa hàng thuộc doanh nghiệp đầu mối của chúng tôi vẫn phải tiếp tục bán hàng, dù có gặp khó khăn…”, vị này cho biết.
Theo quy định tại Nghị định 95 thì giá xăng dầu sẽ lấy giá bình quân của giá thế giới 10 ngày trước để tính giá trong nước cho 10 ngày sau, chênh lệch tới 20 ngày là quá lớn. Từ diễn biến bất thường của thị trường thế giới, với chu kỳ 10 ngày thì giá xăng dầu trong nước khó tiệm cận giá xăng dầu thế giới.
Sớm rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật
Tại phiên trả lời chất vấn mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình xăng dầu thế giới và trong nước đang có những diễn biến mới, nguồn cung ngày càng khan hiếm do châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng mua dầu từ OPEC và Nga, trước mốc 25/11. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng euro và USD liên tục tăng trong vài tuần qua, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Việc tiếp cận vốn ngoại tệ để bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán cũng khó khăn, dẫn đến tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống, nhất là các thành phố lớn tập trung dân cư.
Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc, mới nhất Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính về phương án điều chỉnh chi phí xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán. “Hy vọng những ngày tới, tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế, đồng thời yêu cầu 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn vận hành công suất tối đa, đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu. Tuy nhiên Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương, nhất là các thành phố lớn.
Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP... Trường hợp cần thiết sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh các loại thuế liên quan.
“Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Những nguyên nhân dẫn tới sự bất ổn trên thị trường xăng dầu đã được làm sáng tỏ. Rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, sửa đổi những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật chính là lời giải cho những bất ổn trên thị trường giá xăng dầu.