Ứng dụng công nghệ cao để phục hồi kinh tế tập thể, hợp tác xã

Đến cuối năm 2021, cả nước có 4.667 hợp tác xã (HTX) đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại

 

Đến cuối năm 2021, cả nước có 4.667 hợp tác xã (HTX) đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị - chiếm 17% tổng số HTX. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX ứng dụng công nghệ cao còn thấp.

Ứng dụng công nghệ ở HTX còn ít

Theo các nghiên cứu được Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với một số tổ chức quốc tế như Oxfarms, Viện Rosa - Luxemburg, các HTX được khảo sát đánh giá mức độ quan trọng của việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt đông quản lý điều hành như sử dụng máy vi tính, phần mềm kế toán, điện thoại thông minh, phần mền bảo vệ. Tuy nhiên, số HTX áp dụng trong thực tế còn ít, trong đó sử dụng phần phầm thiết bị để bảo vệ dữ liệu đã số hóa ở mức thấp.

Sản phẩm của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuấtCác HTX có nhu cầu cao về ứng dụng CNTT, công nghệ cao trong sản xuất nhưng thực tế áp dụng ở mức thấp, một số lĩnh vực có mức độ ứng dụng rất thấp như: Dự báo xu hướng, phân tích dữ liệu phục vụ sản xuất. Ở một số HTX, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số mới được thực hiện thí điểm với quy mô nhỏ do chi phí đầu tư lớn so với tiềm lực tài chính hạn chế của HTX. Tương tự, trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng có khoảng cách lớn giữa nhu cầu và mức độ ứng dụng CNTT trong thực tế. Đặc biệt khâu quản lý kho, thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ cao còn thấp, các HTX thực hiện quản lý xuất nhập, tồn kho trên sổ giấy, hoặc ứng dụng tin học văn phòng excel, chỉ có vài HTX có sử dụng phần mềm quản lý kho. Đại diện một HTX sản xuất, kinh doanh cây ăn quả cho biết: "Chúng tôi có thể đầu tư dàn máy nhưng không có nhân sự để làm CNTT. Người trẻ giờ ít gắn bó với HTX, mà có trình độ CNTT thì họ có nhiều cơ hội việc làm khác hơn là làm nông, làm thành viên HTX".

Khả năng tiếp cận công nghệ cao bị hạn chế là một trong những khó khăn lớn nhất của các HTX nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Khi hoạt động của các HTX gặp khó khăn, một trong những giải pháp hỗ trợ của chính quyền các địa phương chính là ứng dụng công nghệ cao cho HTX, giải pháp này đứng thứ 5/13 về tính hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn chung khả năng hấp thụ chính sách của các HTX không cao.

Ứng dụng công nghệ để phục hồi sau đại dịch

Để giúp các HTX, tổ hợp tác phục hồi sau đại dịch, hệ thống Liên minh HTX đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ ứng dụng CNTT, số hóa trong hoạt động. Trước thực tế nhận thức về vai trò của kinh tế số, ứng dụng thương mại điện tử còn nhiều hạn chế nên các HTX, tổ hợp tác chưa tận dụng được lợi thế, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận chuyển đổi số.

Nông sản sạch là thế mạnh của các HTX

Theo kết quả điều tra của Liên minh HTX Việt Nam, có 50% số người được hỏi tỏ ra lạc quan về dự báo biến động doanh thu trong năm 2023 so với thời điểm trước dịch. Các dự báo lạc quan về lợi nhuận đạt 42,6% và về số lượng lao động đạt 41%. 1/3 số thành viên HTX, người lao động cho rằng thu nhập và việc làm của họ sẽ tăng từ 10% đến trên 50%, tích lũy hàng tháng cũng được đánh giá tăng từ 10% đến trên 50%.

Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới ban hàng tháng 6/2022 xác định rõ:  Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu cụ thể đến 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX, 340 liên hiệp HTX; Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

Chương trình hành động của Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2020-2025 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển HTX hiệu quả, bền vững với một trong năm Chương trình hành động quan trọng là: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn chính quyền các địa phương hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu vốn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT của các HTX. Cùng với đó là hỗ trợ về hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số. Các HTX cũng cần nâng cao chất lượng bằng việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý, cũng như huy động nguồn lực tài chính từ các thành viên để đầu tư trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất kinh doanh tại HTX./.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới." (Báo Nhân dân ngày 12/4/2022)

        

 

Bình luận

    Chưa có bình luận