Báo chí góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã

Chiều 8/11, Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới diễn ra tại Hà Nội.

 

Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức .

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các ông: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Hội nghị còn có sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, cơ quan báo chí, các hợp tác xã tiêu biểu trên cả nước.

Theo Ban Tổ chức, đây là một hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình phối hợp số 178/CTPH-BTGTW-LMHTXVN.

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Chia sẻ những mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, ngày nay ở các nước phát triển, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác xã luôn đóng vai trò hàng đầu. Điều này cho thấy cần phải phát triển nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở các cấp, các ngành…Tới đây cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hoài nghi về mô hình hợp tác xã kiểu mới, bác bỏ luận điệu xuyên tạc đòi xóa bỏ kinh tế tập thể.
Cần đề cao vai trò của cấp uỷ chính quyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát huy tin thần tự chủ, tự giác về kinh tế tập thể, tuyên truyền mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; phản ánh quá trình rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách pháp luật; tuyên truyền vai trò hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương…

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tham quan sản phẩm trưng bày của các HTX

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến 31/12/2022, ước tính cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,6 triệu lao động ; tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/ hợp tác xã, tăng 8,7% so năm 2021.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số,…

Do đó, để thúc đẩy nhanh quá trình này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;…

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, phân tích lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng miền hiệu quả; phát hiện những cách làm hay, điển hình tiên tiến; tìm tòi, phổ biến kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới và khu vực. Đặc biệt, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân – hợp tác xã – doanh nghiệp tìm đến với nhau. 

Ông Lê Quốc Minh khẳng định, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm và chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết. Do vậy, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để hợp tác xã hiểu rõ hơn khó khăn, thuận lợi và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận