Kết nối tìm đầu ra cho nông sản miền núi

  • 03/11/2022 10:30:54
  • Thái Bình
  • Kinh tế
  • 0

Việc kết nối để tìm đầu ra, tiêu thụ nông sản là giải pháp cấp bách để giúp bà con miền núi an tâm chuyển đổi cây trồng.

 

Từ 10 năm nay, bưởi da xanh trở thành cây trồng chủ lực của người dân 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây đã hình thành những vùng trồng bưởi chuyên canh rộng hàng ngàn héc ta, thu hoạch quanh năm. Huyện Khánh Vĩnh chỉ cách thành phố Nha Trang chừng 40km nhưng việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Gần đây, khi thương hiệu bưởi Khánh Vĩnh được xây dựng, các doanh nghiệp đã tìm về các vườn cây để mua bưởi của bà con.

Ông Đỗ Việt Cường, ở xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Tổng số vườn bưởi của tôi đây là 4.000 cây, trồng từ tháng 9/2017, bắt đầu cho thu hoạch hàng tháng 10-12 tấn. Giai đoạn thu hoạch bói do bị dịch bệnh nên chưa tìm được các mối mua bán, chưa đủ chi phí. Sang đến năm nay, kết hợp được doanh nghiệp vào thu mua tại đây thì giá cũng tạm ổn, đều”.

Sầu riêng Khánh Sơn đã được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc.Khí hậu tỉnh Khánh Hòa phù hợp cho việc hình thành những vùng chuyên canh trái cây như xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, bưởi Khánh Vĩnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha trồng cây ăn quả, sản lượng gần 50.000 tấn/ năm. Những loại cây trồng này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tuy vậy, nông dân Khánh Hòa hiện nay hầu như chỉ mới tập trung vào việc sản xuất còn việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ lại chưa được chú trọng. Vì thế, nông sản chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua thương lái nên gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, cần có những doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định để đưa các loại nông sản này vào các siêu thị và xuất khẩu đi nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây và Nông sản Ngân Nguyễn cho biết, các thị trường trong và ngoài nước đều đánh giá tốt chất lượng trái cây huyện Khánh Vĩnh.

“Chúng tôi đã đưa ra được thị trường, siêu thị, các chợ đầu mối ở khu vực phía Bắc là chủ yếu. Tháng chúng tôi có thể tiêu thụ được 100-150 tấn bưởi, đỉnh cao nhất là mỗi tháng 400-500 tấn bưởi. Người nông dân trồng ra, chúng tôi làm thương hiệu để giới thiệu riêng đặc sản của huyện Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung” - bà Nguyễn Thị Ngân nói.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 11.000 ha cây ăn quả.Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng thương hiệu nông sản và hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng VietGAP. Các sản phẩm chủ lực như  bưởi da xanh Khánh Vĩnh, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tỉnh cũng có các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, liên kết với nông dân tại 2 huyện nghèo ở miền núi. Mới đây, trái sầu riêng Khánh Sơn đã được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho nông sản địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ đó, tạo ra thu nhập bền vững đưa 2 địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo.

“Mối liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và đóng gói để xuất đi nước ngoài. Khánh Hòa vẫn tiếp tục hướng đó. Hiện nay, ngành nông nghiệp có chỉ đạo Chi cục Trồng trọt, Chi cục Thủy sản và Chi cục Quản lý chất lượng phối hợp nhau, hình thành những mã vùng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tỉnh đẩy mạnh định danh, định vùng cho những sản phẩm nông nghiệp để kết nối tiêu thụ tốt hơn” - ông Lê Bá Ninh nói./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận