Bất cập điều hành xăng dầu: Giao Bộ Công Thương phụ trách toàn bộ?

  • 03/11/2022 09:23:04
  • Nguyễn Trang
  • Kinh tế
  • 0

Đại biểu Quốc hội nhận định việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập.

 

Trao đổi bên hành lang quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp xăng dầu cảm thấy chưa được thỏa mãn về chi phí, thậm chí phải bù lỗ nên buộc phải dừng lại. Hiện nay việc quản lý về giá và xuất nhập khẩu xăng dầu thuộc phụ trách của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

“Rõ ràng từ cả 2 phía này nếu không phối hợp tốt với nhau sẽ dẫn đến doanh nghiệp ở giữa không được thỏa mãn nhu cầu. Đề xuất của Bộ Tài chính giao toàn bộ vấn đề quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương quản lý cũng cần tính đến, nên giao cho 1 cơ quan quản lý tập trung và có một cơ quan khác kiểm tra, đánh giá, kể cả chuyện tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu thế nào. Tôi cho rằng Bộ Công Thương nên tính toán công tác điều hành, nhưng Bộ Tài chính phải giám sát, kiểm tra, đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Nên tập trung quy trách nhiệm cho 1 đầu mối”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).Theo nhận định của đại biểu Hoàng Văn Cường, trong nước vẫn có các nhà máy sản xuất xăng dầu, mặt khác việc nhập khẩu xăng dầu thời điểm này cũng không gặp khó khăn, do đó cần tính việc đa dạng hóa các tổ chức sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng dầu, tránh việc quá tập trung vào một vài doanh nghiệp.

“Khi đa dạng hóa nguồn cung, các doanh nghiệp, tổ chức tự cạnh tranh với nhau, do đó có thể giảm chi phí quản lý, vận hành, khi đó không cần sự can thiệp quá nhiều từ nhà nước. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp nên chưa có sự cạnh tranh”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng: “Nếu như xăng dầu chỉ đứt gãy cục bộ, gián đoạn trong thời gian nhất định, ở địa bàn nhất định, còn nguồn cung vẫn dồi dào thì không quá lo, nhưng ở đây sự đứt gãy lan ra diện rộng. Do đó, cần phải rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể, xem có đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh không? Thực tế, điều hành chính sách vĩ mô về xăng dầu thuộc Bộ Công Thương, còn nhập hàng phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Kinh doanh phải có lợi nhuận nên có thời điểm giá cao, doanh nghiệp hạn chế nhập, chờ đến khi giá thấp để nhập hàng. Nhưng, vấn đề cốt yếu là cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình căn nguyên cơ bản của thị trường”.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang).Từ thực tế này, theo đại biểu Trần Văn Lâm, cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể, để xác định số liệu báo cáo về nguồn cung xăng dầu cũng như nhu cầu thực tế của thị trường từ đó áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung. 

“Tôi cho rằng đây là hiện tượng bất thường trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua, kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá lên cao, nhưng không có hiện tượng đứt gãy nguồn cung như hiện tại.

Giá dầu thô thế giới đang ở mức hài hoà, không phải quá cao, song lại để xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung thì cần phải xem xét lại, làm rõ căn nguyên, lý do.

Trách nhiệm cuối cùng vẫn phải là của cơ quan quản lý nhà nước, phải đề ra được các cơ chế, chính sách, nắm bắt thông tin để điều phối hợp lý”, ông Lâm nói.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý về giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá về cho các bộ ngành chuyên môn, không tập trung hết về một đầu mối là Bộ Tài chính. Việc đề xuất giao vấn đề xăng dầu về Bộ Công thương quản lý là hoàn toàn phù hợp. Việc này sẽ giảm tải cho cơ quan đầu mối quản lý về giá là Bộ Tài chính. Ngoài ra, với từng mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính không thể quản lý sâu sát, đầy đủ như từng bộ ngành quản lý chuyên môn.

Khi lãi "khủng" chẳng có DN xăng dầu nào kêu ca?

Nói về Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quỹ này có lợi cho đại lý xăng dầu cấp 1, cấp 2, trong khi đó lại không có nhiều ý nghĩa với những đại lý bán trực tiếp. Theo đại biểu, không thể lấy quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp mà cần có những giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý nhà nước điều hành trong vấn đề xăng dầu. Thị trường xăng dầu trong nước và trên thế giới còn tiềm ẩn những bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó đoán định. Do vậy, đề xuất của Hiệp hội xăng dầu là "Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước" là không hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nhiều chuyên gia và đại biểu quốc hội cũng như Bộ Tài chính không đồng tình và không thể để xảy ra chuyện lấy tiền của nhân dân để bù đắp cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu hoặc bán lẻ xăng dầu phải vượt qua những điều kiện và có những quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Đồng thời, khi bước vào kinh doanh, phải chấp nhận theo quy luật và xu hướng thị trường, nghĩa là lời ăn, lỗ chịu.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nói thêm rằng, trước đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lãi rất “khủng khiếp” nhưng không thấy họ có ý kiến, còn một vài tháng trở lại đây, giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tăng giảm thất thường thì lại lên tiếng về việc kinh doanh thua lỗ để xin hỗ trợ, nhất là bù giá, trợ giá hay bù chênh lệch. 

Không thể dùng tiền của dân để bù lỗ cho doanh nghiệp

Nói thêm về quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích là bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Không thể một đồng mua mắm, một đồng mua tương được, không thể dùng Quỹ bình ổn giá để hỗ trợ vấn đề xuất nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc xuất nhập khẩu xăng dầu thuộc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cường nói và nhấn mạnh rằng, bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là ký các hợp đồng mua trước, bán trước. Những công ty kinh doanh xăng dầu có năng lực đánh giá, dự báo tốt thì giá xăng dầu thế giới tăng cũng không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ. Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này cũng có rủi ro nhất định, khi doanh nghiệp mua phải giá cao, nhưng trong kỳ giá xăng dầu lại giảm khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Nhấn mạnh lại rằng đây là vấn đề thuộc nghiệp vụ, khả năng dự báo và trách nhiệm của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu tính toán tốt, dự báo tốt thì kinh doanh có lãi, nếu không tính toán tốt thì kinh doanh thua lỗ. Đây cũng là vấn đề bình thường trong kinh doanh nói chung, kinh doanh xăng dầu nói riêng. Tuy nhiên, muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan Nhà nước cần có những giải pháp khác như dành nguồn lực để giữ giá xăng dầu ổn định, không thể sử dụng tiền của dân để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận