Sẽ có cơ sở chế biến sâu phục vụ xuất khẩu
Đến thăm những vườn củ cải trồng khảo nghiệm tại xã Xín Mần - thực hiện Chương trình liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa huyện Xín Mần và Công ty TNHH Vietnam Misaki, nhằm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước khác - chúng tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Xã Xín Mần là một trong 4 xã biên giới của huyện Xín Mần, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 4.772m. Háo hức được chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây vào lúc sáng sớm, chúng tôi di chuyển từ rất sớm xuất phát lúc 6h30 từ thị trấn Cốc Pài. Ở Xín Mần thời tiết rét từ tháng 10 năm trước cho đến tận tháng 3 năm sau. Cuối tháng 10, vào buổi sáng nơi đây sương giăng dầy đặc phủ kín khắp bản làng. Cả một không gian trắng nhờ mênh mông, không nhìn rõ thứ gì, nói gì đến việc ghi hình, chụp ảnh. Đợi đến tận 9 giờ khi màn sương hơi loãng ra đôi chút, chúng tôi di chuyển lên vườn củ cải của anh Hoàng Văn Mới. Hiện lên trước mắt chúng tôi là một vạt xanh mướt, trong sương mờ càng non tơ, trù phú.
Gia đình anh Mới trước đây trồng ngô, rồi chuyển đổi sang dự án trồng cỏ chăn nuôi. Tuy nhiên do không phù hợp điều kiện thời tiết nên cây cỏ phát triển kém. Nhanh tay nhổ một cây củ cải trắng ngần, to và mọng nước, anh Mới hồ hởi chia sẻ: “Tôi tham gia chuỗi liên kết trồng củ cải từ tháng 7/2021. Qua thời gian trồng thử nghiệm đến nay gia đình tôi đã trồng đại trà trên diện tích đất 1,7ha. Trồng củ cải đem lại hiệu quả cao, cho thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng/năm. Tôi mong muốn chương trình này tiếp tục triển khai để chúng tôi yên tâm sản xuất”.
Không chỉ gia đình anh Mới mà nhiều hộ dân khác tham gia vào chuỗi liên kết đều kỳ vọng vào hiệu quả bền vững của chương trình này. Chị Giàng A Vàng chia sẻ: “Trồng củ cải tôi thấy năng suất hơn và ít công lao động hơn trồng ngô. Trồng ngô chỉ được một vụ/năm, trồng củ cải đươc từ 2 - 3 vụ/năm. Với diện tích 0,4ha, trước đây tôi trồng ngô số tiền thu được từ bán ngô chỉ vừa đủ cho tiền giống và công mình bỏ ra, không tính vốn tính công chỉ thu được 10 triệu đồng. Nhưng trồng củ cải cùng với diện tích đó thu được khoảng 25 triệu đồng”.
Chương trình liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa huyện Xín Mần và Công ty TNHH Vietnam Misaki được thực hiện trên cơ sở Công ty đầu tư vật tư phân bón cho nhân dân trước và trừ sau khi bán sản phẩm cho Công ty theo cam kết.
Ngoài củ cải, Công ty còn thực hiện các dự án trồng khảo nghiệm 3 ha gừng trâu và 0,5ha củ kiệu tại thị trấn Cốc Pài, trồng măng bát độ 4ha tại xã Nà Chì; 0,3ha dưa chuột ở xã Tả Nhìu. Quá trình khảo sát dự án rất bài bản, kỹ lưỡng. Bà Hoàng Thị Lập - Giám đốc Công ty - trực tiếp làm viêc với lãnh đạo UBND huyện và cử chuyên gia người Nhật sang khảo sát vùng nguyên liệu trồng củ cải, gừng, kiệu tại huyện Xín Mần. Công ty tổ chức cho 5 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu hàng nông sản của Nhật Bản đến kháo sát vùng nguyên liệu tại huyện.
Định hướng phát triển giữa huyện Xín Mần với công ty Mishaki Việt Nam tiến dần tới cam kết phát triển vùng nguyên liệu củ cải. Trên cơ sở đó, Công ty đang xây dựng xưởng sơ chế với công suất 300 tấn. Đến năm 2025, sẽ xây dựng cơ sở chế biến sâu tại huyện để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản và các nước khác.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của chuỗi liên kết, ông Lý Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Xín Mần, cho biết: “Thực hiện chuỗi liên kết với công ty Mishaki, người dân tham gia cũng như cán bộ học được cách làm việc của người Nhật rất cẩn thận, bài bản và không từ bỏ. Dự án thực hiện đem lại thu nhập cao cho bà con nên đến thời điểm này chúng tôi không phải tuyên truyền vận động nữa mà bà con tự đến xin được tham gia”.
“Không vội vã, đi có lộ trình”
Có được bước khởi đầu vững chắc, tạo tiền đề cho nông nghiệp Xín Mần phát triển theo hướng hàng hóa, vươn xa ra thị trường thế giới là nhờ sự vào cuộc kịp thời, nhạy bén nắm bắt xu thế của huyện và các ngành chức năng với vai trò nòng cốt là nhịp cầu kết nối giữa người dân với DN.
Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, cho biết: “Chương trình liên kết với Mishaki được huyện mời gọi đến đầu tư, với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu cho công ty sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản. Chúng tôi nhận thức đây là cơ hội tốt đảm bảo cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị cây trồng trên diện tích canh tác. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân”.
Với tinh thần “mời gọi DN đã khó, giữ chân DN còn khó hơn”, huyện Xín Mần đã tích cực hỗ trợ DN về quan điểm định hướng chỉ đạo xuyên suốt. Huyện phối hợp chặt chẽ với DN hoạch định lựa chọn các vùng, các địa bàn có thể triển khai trồng; Lựa chọn những cán bộ năng lực, trình độ, thành lập tổ công tác giúp việc cho UBND huyện và hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tuyên truyền vận động các hộ dân tạo các nhóm tham gia, tạo thành vùng sản xuất. Huyện tham gia hỗ trợ một phần phân bón. Để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và DN trong việc ký hợp đồng, nếu cần huyện sẽ thuê luật sư hỗ trợ bảo vệ quyền lợi các bên. Về lâu dài trên cơ sở kế hoạch sản xuất dài hạn của công ty, huyện sẽ vận dụng chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ DN.
“Muốn phát triển nông nghiệp đòi hỏi sự nhiệt huyết, kiên trì, phải tập trung tạo nền tảng vững chắc. Trong việc xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, huyện Xín Mần sẽ làm từng bước một trên tinh thần “không vội vã, đi có lộ trình”.
Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần
|
Công ty TNHH Vietnam Misaki chỉ là một trong rất nhiều DN được huyện Xín Mần kêu gọi thu hút đầu tư, hợp tác liên kết. Trong đó: Công ty Cổ phần nông nghiệp sạch - Phú Thọ thực hiện trồng 7ha rau hữu cơ (chủ yếu là cà chua, cải bắp, cải thảo, súp lơ, cải canh, cải thìa), hàng ngày, hàng tuần các hộ thu sản phẩm gửi về siêu thị của công ty tại Hà Nội để tiêu thụ. Đến nay công ty đã thu mua 45 tấn sản phẩm; liên kết với HTX Xín Mần xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến tại xã Xín Mần quy mô 500 - 700 tấn rau/năm; định hướng đến năm 2025 mở rộng vùng nguyên liệu lên 70 - 100ha/năm và xây dựng cơ sở bán hàng tại trung tâm huyện và giới thiệu bán sản phẩm tại các siêu thị Hà Nội. Hợp tác xã Vạn Lộc đang thực hiện Dự án nuôi cá nước lạnh theo chuỗi giá trị tại xã Nấm Dẩn quy mô 2 vạn con/năm (tập trung nuôi cá hồi, cá tầm). DN đang tiến hành khảo sát và liên kết với khoảng 30 hộ tại xã Quảng Nguyên và Nấm Dẩn triển khai mở rộng quy mô trên 1,5ha, sản lượng dự kiến 300 tấn - 500 tấn/năm và triển khai chế biến sâu các sản phẩm từ cá đông lạnh. Hợp tác xã Tiến Thành -Tuyên Quang khảo sát và đề xuất lai tạo bò H’mông cái nền 300 con với giống bò Wagyu (Kobe Nhật Bản) quy mô 310 con; xây dựng cơ sở giết mổ chế biến tại trung tâm huyện Xín Mần, dự kiến đến năm 2025 quy mô chăn nuôi bò 1.000 con/năm, chế biến các sản phẩm từ thịt bò đạt 20% trở lên.
Với quy mô phát triển như hiện tại, Chủ tịch huyện Phạm Duy Hiền kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện, nâng cấp tuyến quốc lộ 4 kết nối với trục đường cao tốc, tạo điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn góp phần giảm giá thành sản phẩm./.