Hợp đồng EPC đặt nặng vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Nhiệm vụ, vai trò của Kiểm toán Nhà nước cần được chú trọng trong việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC góp phần làm minh bạch nền tài chính QG.

 

Sáng nay (2/11), tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo với chủ đề Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào việc kiểm toán các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này. Những vướng mắc cũng đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC; Nhiệm vụ và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia. Những vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị được kiểm toán, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với các dự án thực hiện theo hình thức EPC.

PGS. TS. Thịnh Văn Vinh, Học viện Tài chính cho rằng, những nhà thầu thực hiện theo hình thức này thường làm hết trách nhiệm, đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình. Ở Việt Nam, nhiều công trình do Pháp, Nhật, Hàn Quốc thi công được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khuôn khổ pháp lý của nước ta còn nhiều vấn đề.

Những người đáp ứng về chuyên môn, hiểu biết về những công trình xây dựng, sản phẩm của những dự án có tính chất chuyển giao công nghệ và có vốn đầu tư lớn này còn nhiều hạn chế. Để kiểm toán tốt, không chỉ kiểm toán ở phía chủ đầu tư hay Ban Quản lý dự án mà phải kiểm toán toàn diện và tăng cường mở rộng phạm vi kiểm toán. Cần trao thêm quyền cho Kiểm toán Nhà nước để xác định đâu là số liệu tin cậy của một công trình dự án.

“Có rất nhiều vấn đề đặt ra khi dự án đội vốn, kéo dài thời gian thi công và chất lượng công trình không đảm bảo, nhưng tại sao các nhà thầu lại tiếp tục được thi công công trình khác thì chúng tôi không hiểu được. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng và Kiểm toán Nhà nước cũng phải có ý kiến để làm rõ vấn đề này trước công luận và chúng tôi mong muốn điều này sớm được làm rõ”, PGS. TS. Thịnh Văn Vinh nêu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, từ thực tiễn và yêu cầu quản lý dự án theo hình thức tổng thầu EPC đang gặp phải những vấn đề như việc lựa chọn nhà thầu hạn chế, hầu hết là chỉ định thầu mà chưa thể thực hiện đấu thầu để chọn được tổng thầu EPC tốt nhất cho dự án. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều tổng thầu EPC chưa hội tụ đủ năng lực thực hiện dự án khiến cho dự án bị chậm tiến độ, chất lượng thấp, thiếu an toàn, gây thất thoát lãng phí.

Lấy Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ví dụ cụ thể, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, trước khi ký hợp đồng EPC, chủ đầu tư và tổng thầu dự kiến cần thảo luận kỹ để thống nhất cách hiểu tất cả các nội dung của hợp đồng để tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện, thậm chí tranh chấp hoặc phá vỡ hợp đồng. Việc thay đổi nội dung trong hợp đồng EPC cũng cần thực hiện một cách nhanh nhất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

“Trong các dự án đầu tư công có một số dự án sử dụng hợp đồng EPC, nhưng vấn đề nặng nhất hiện nay là câu chuyện tiến độ, kể cả tiến độ triển khai và tiến độ giải ngân. Trong quá trình kiểm toán nhà nước trong năm tới, thậm chí quy mô đầu tư công còn tăng gấp đôi nên số lượng hợp đồng EPC lớn, nên các điều kiện về kinh tế vĩ mô, về đầu tư đang có thay đổi khó lường, do đó sự thay đổi trong các hợp đồng EPC chắc chắn sẽ xảy ra, quan trọng là căn cứ của nó”, TS. Vũ Đình Ánh lưu ý./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận