Việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay sẽ góp phần đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình trong Khu kinh tế Vân Phong, xây dựng huyện Vạn Ninh thành đô thị du lịch biển cao cấp.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận về việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Vân Phong. Sân bay được đề xuất là sân bay phục vụ charter (chuyến bay được thuê trọn gói), được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Sân bay trong đề xuất được bố trí tại phân khu 8 trong dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, thuộc các xã phía Bắc huyện Vạn Ninh. Phân khu 8 có tổng diện tích hơn 5.500 ha với định hướng phát triển khu đô thị đa chức năng cao cấp, thương mại dịch vụ, sân bay dân dụng phục vụ charter, bến thủy phi cơ…
Tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận về việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Vân Phong, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung Cảng hàng không Vân Phong vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng phê duyệt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có sân bay quốc tế Cam Ranh, mỗi năm đón hơn 10 triệu lượt khách, là sân bay đón lượng khách lớn thứ 4 cả nước. Tuy vậy, sân bay Cam Ranh lại nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, cách khu vực Bắc Vân Phong hơn 100 km. Việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay sẽ góp phần đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình trong Khu kinh tế Vân Phong, xây dựng huyện Vạn Ninh thành đô thị du lịch biển cao cấp như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã xác định.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa đề nghị bổ sung quy hoạch nhằm mục tiêu triển khai, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 09. “Xác định thấy vị trí đó cần thiết có sân bay nên tỉnh đề nghị bổ sung. Bộ Giao thông - Vận tải đang giao Cục Hàng không làm việc với 10 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay, chỉ khi đề xuất được vào quy hoạch mới tính đến chuyện đầu tư. Cơ quan chuyên môn của Bộ, Hội đồng thẩm định sẽ có ý kiến đồng ý hay không đồng ý đề nghị của tỉnh”, ông Dần cho biết.
Theo Nghị quyết 55 của Quốc hội về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa" quy định, xây dựng và kinh doanh sân bay là danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Đồng thời, quy định UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt. Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan và quyết định theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, Vân Phong là Khu kinh tế biển, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển công nghiệp, đô thị - du lịch biển, ở đây có Mũi Đôi là cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Vân Phong dễ dàng kết nối với đường hàng hải quốc tế, với Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung Bộ.
Vì thế, nếu có các dự án đầu tư đúng hướng, đủ tầm, Vân Phong có cơ hội trở thành tọa độ phát triển, có sức cạnh tranh khu vực và tầm thế giới. Tuy nhiên, lâu nay, Vân Phong phát triển chưa tương xứng, cơ sở hạ tầng còn sơ khai, chưa có cảng lớn, hệ thống cấp nước, đường cao tốc, sân bay. Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút những nhà đầu tư chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Vân Phong.
“Nếu cần đầu tư hạ tầng phải là những nhà đầu tư lớn. Cảng biển, sân bay charter ở Vân Phong nhưng nhà đầu tư nhỏ, lẻ, thiếu tiềm lực không thể làm được. Trong Nghị quyết 55 xác định những ngành nghề ưu tiên ở Vân Phong, ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với cảng biển, sân bay charter ở Vân Phong. Chúng tôi cũng tin tưởng Vân Phong sẽ khởi sắc. Cảng biển, sân bay đều đã có nhà đầu tư đăng ký xây dựng”, ông Nguyễn Hải Ninh tin tưởng./.
Theo VOV.VN