Sáng nay, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Nhiều nơi đất để hoang hóa, lãng phí
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đánh giá rất cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung giám sát tối cao. Qua giám sát cho thấy còn rất nhiều bất cập, tồn tại, “nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát”. Nếu những tồn tại, hạn chế được khắc phục thì công cuộc xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Qua nghiên cứu và trực tiếp giám sát và qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo.
Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10 năm 2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành. Từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Còn đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là một trong những nội dung giám sát được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội để tạo sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ, thiết thực, có hiệu quả sau khi giám sát.
Theo đại biểu, trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn, đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.
Ông dẫn phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí…
Trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường; công ty nông lâm nghiệp cần phải được quan tâm hơn. Sau khi Quốc hội giám sát vấn đề này vào năm 2018, hiện nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu khiếu kiện đông người liên quan đến đất nông lâm trường tại các địa phương.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Nhiều trụ sở bỏ hoang
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) thì nhấn mạnh, việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí.
Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng sốt, nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề còn tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Từ những thực tế vừa nêu, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để. Cần tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng khi thi hành công vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý và nghiêm xử lý nghiêm các vi phạm.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đó là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan để bổ sung những còn thiếu sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
Nguyễn Trang/VOV.VN