Để mỗi vụ thu hoạch cà phê không còn ô nhiễm

  • 14/10/2022 06:22:30
  • Trấn Long
  • Kinh tế
  • 0

Cứ đến mùa thu hoạch cà phê, nguồn nước sinh hoạt của người dân Sơn La lại phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, nhất là từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê.

 

Vào đầu vụ thu hoạch năm nay, tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; đồng thời vận động các hộ dân, doanh nghiệp dừng việc sơ chế cà phê nhỏ lẻ, thực hiện mang quả cà phê tươi đến các cơ sở sơ chế tập trung, đủ điều kiện sơ chế để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Những ngày này, dọc tuyến Quốc lộ 6, từ địa phận xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La đến huyện Thuận Châu không còn nhiều cơ sở sơ chế cà phê nhỏ lẻ như trước, thay vào đó, các gia đình bán quả tươi cho các đại lý, doanh nghiệp thu mua tập trung để sơ chế, chế biến, góp phần bảo vệ môi trường.

Cà phê được các nông hộ mang đến cơ sở sơ chế đủ điều kiện, sau đó mang về để phơi, sấy nhằm bảo vệ môi trường.Là một trong các đại lý thu mua quả cà phê tươi cho bà con, gia đình anh Quàng Văn Tính ở bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La mỗi ngày thu mua khoảng hơn 30 tấn cà phê tươi.  Anh Tính cho hay: gia đình cũng có xưởng sơ chế, chế biến cà phê với diện tích 4.000 mét vuông, vài năm nay anh đã ký cam kết với UBND thành phố Sơn La không sơ chế, chế biến cà phê tại khu xưởng của gia đình; tất cả số cà phê thu mua sẽ mang đến cơ sở cách khu xưởng gần 20 Km để sơ chế, sau đó mới mang về xưởng để phơi, sấy nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước cho thành phố Sơn La.

“UBND thành phố cũng quán triệt, bảo ô nhiễm nguồn nước thì ra đình cũng chấp hành chuyển đi nơi khác sơ chế; quá trình cũng tốn kém nhưng gia đình khắc phục, chấp hành theo thành phố quán triệt để bảo vệ môi trường” - anh Tính nói.

Là 1 trong 10 cơ sở đủ điều kiện sơ chế, chế biến cà phê của huyện Thuận Châu, xưởng chế biến cà phê của gia đình anh Bùi Công Thành ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha có công suất 10 tấn/ngày.

Theo anh Thành, khi sơ chế cà phê, cứ 10 khối nước sạch sẽ cho ra khoảng 12 khối nước thải nên gia đình đã đào 2 bể chứa nước với tổng thể tích 17.000 khối từ năm 2015, cả 2 bể đều được phủ bạt chống thấm HDPE 2 lớp để chống phát sinh mùi và ngấm nước thải xuống đất.

Đặc biệt trước đây nước thải và vỏ cà phê sau khi sơ chế được coi là phế phẩm bỏ đi, vài năm trở lại đây, gia đình đã ứng dụng công nghệ mới, ủ nước thải và vỏ cà phê thành phân vi sinh để bón cho 7 ha trồng cây ăn quả chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm phân bón mà vẫn nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng.

“Dùng phân vi sinh ủ từ nước thải và vỏ cà phê sẽ giảm chi phí, như gia đình tôi là phân bón hóa học không phải mua, thứ hai nữa là trồng cây bằng phân vi sinh này cây bền hơn, chất lượng tốt hơn; cơ bản là giảm được chi phí trong đầu tư nông nghiệp, tận thu được thành vòng kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ lẫn nhau, từ việc sản xuất cà phê thì hỗ trợ cho vườn tược, cây cối” - anh Thành chia sẻ.

Sau khi ủ men, phân vi sinh được pha với nước mưa để làm phân bón cho 7 ha trồng cây ăn quả chất lượng cao của gia đình anh Bùi Công Thành.Tỉnh Sơn La hiện có khoảng 17.000 ha trồng cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu và thành phố Sơn La, sản lượng năm nay ước đạt trên 30.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến cà phê tập trung và hàng chục cơ sở chế biến cà phê quy mô hộ gia đình, cá nhân.

Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đã thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản; ký cam kết với các cơ sở chế biến nông sản trong bảo vệ môi trường, nguồn nước…

Đặc biệt, không để các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt phát sinh hoạt động chế biến cà phê, yêu cầu các cơ sở phải đặt hệ thống camera giám sát tại hệ thống xử lý chất thải, truyền dữ liệu về phòng Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay vẫn còn tồn tại 1 số cơ sở nhỏ lẻ của các hộ gia đình sản xuất, sơ chế cà phê, riêng việc này UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, đặc biệt là huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn đối với các cơ sở nhỏ lẻ này, yêu cầu các cơ sở này thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, trường hợp không đủ điều kiện để sản xuất, chế biến thì yêu cầu đóng cửa để đảm bảo xử lý môi trường chung”.

Với việc triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023, tỉnh Sơn La nỗ lực không để tái diễn tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến cà phê, gây ảnh hưởng đến nguồn nước, đời sống sinh hoạt của người dân kéo dài như nhiều năm trước đây./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận