Cần rà soát lại thuế, các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu

Đại diện liên bộ Công Thương - Tài chính đã lên tiếng về việc điều chỉnh chi phí định mức xăng dầu và giải pháp bình ổn nguồn cung và giá xăng dầu trong nước.

 

Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu phương án giảm mức trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định về việc điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành.

Trong những ngày qua, khi nhiều địa phương xuất hiện tình trạng cây xăng nghỉ bán hoặc bán cầm chừng gây rất nhiều khó khăn cho người dân, đại diện liên bộ Công Thương - Tài chính đã lên tiếng về việc điều chỉnh chi phí định mức xăng dầu và giải pháp bình ổn nguồn cung cũng như giá xăng dầu trong nước.

Gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ do đâu?

Báo Tuổi Trẻ cho hay, trong thông tin phát đi tối 10/10, Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... là không phổ biến khi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho hay đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí tổng hợp đối với doanh nghiệp đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.

Bộ này cũng cho biết đã phối hợp với các tỉnh thành chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn, duy trì cung ứng trong hệ thống, gắn với việc đôn đốc kiểm tra giám sát thực hiện quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu.

Ngoài ra, bộ này khẳng định đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đồng thời, bộ cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là sở công thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Trả lời báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: Cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.

Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chia sẻ nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có năm doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối, chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp.

Nhà nước không quy định về chiết khấu

Bnews đưa tin, trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 7/10 về kiến nghị liên quan đến chi phí định mức xăng dầu mà Bộ Công Thương gửi hôm 30/8, Bộ Tài chính cho hay ngày 10/7 đã điều chỉnh chi phí đưa xăng từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở (giá cơ sở xăng dầu = giá xăng dầu nguồn nhập khẩu x tỉ trọng % sản lượng xăng dầu nhập khẩu + giá xăng dầu nguồn trong nước x tỉ trọng % sản lượng xăng dầu trong nước).

Riêng đối với mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở trước mắt không tăng để hạn chế tác động tăng giá.

Về chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định Nhà nước hiện không quy định. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối...

Bộ Tài chính đánh giá việc Bộ Công Thương cho rằng việc chưa điều chỉnh mức premium và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để đảm bảo bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa có cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá và làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu và hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp, tiết kiệm chi phí và chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án giảm mức trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (nếu cần thiết) theo quy định về việc điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành.

Bộ Tài chính đã có công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Ngoài ra, hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.

Cùng với đó, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng luôn được cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu vẫn đang được thực hiện thuận lợi. Tuy nhiên, để rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, để góp phần cho doanh nghiệp kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3684/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận