Nhiều giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

 

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu tổng thể triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU); ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trên cơ sở mục tiêu tổng thể trên, từ nay đến năm 2025, Bộ NN&PTNT đặt ra những mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động thủy sản; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định.

100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng; 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC)-2009 (Hiệp định PSMA).

Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đặt ra 8 nhóm giải pháp về: Thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác có liên quan; quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản; thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.

Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 cũng sẽ ưu tiên thực hiện các dự án về thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nhằm thực thi Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU ở trong và ngoài nước.

Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá, truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU; Dự án thí điểm, nhân rộng mô hình mẫu kiểm soát nghề cá bền vững tại 3 cảng cá: miền Bắc-Hải Phòng, miền Trung-Khánh Hòa, miền Nam-Cà Mau.

Thực hiện dự án kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng chống khai thác IUU của Bộ NN&PTNT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương và giữa lực lượng thực thi pháp luật của bộ, ngành có liên quan.

Triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý thống nhất đảm bảo tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, truy xuất hoạt động tàu cá, sản lượng khai thác. Đồng thời thực hiện dự án nâng cao năng lực, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ lực lượng kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành thủy sản về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản.…/.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận