Dự thảo thông tư đấu thầu thuốc – Liệu có thể giải quyết tình trạng thiếu thuốc?

Dự thảo thông tư Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập loại bỏ gói thầu biệt dược gốc không giúp được gì cho bệnh viện trong đấu thầu thuốc.

 

Loại bỏ quy định về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Điều này đồng nghĩa trong quá trình đàm phán giá các thuốc biệt dược gốc sẽ không có cơ chế mua sắm và phải đấu thầu chung với thuốc generic. Đây là quy định mới được đưa ra tại Dự thảo Thông tư Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến góp ý rỗng rãi. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ khiến cho việc cung ứng thuốc biệt dược gặp khó và có thể khiến tình trạng thiếu thuốc gia tăng.

Không chia nhỏ gói thầu thuốc để áp dụng chính sách đặc biệt

Theo Dự thảo Thông tư Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, trường hợp thuốc phát sinh trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân và có dự toán mua sắm không quá 50 triệu đồng thì cơ sở y tế được áp dụng mua sắm theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị không được chia nhỏ thành các gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng để áp dụng Khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT hiện hành, có 6 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở y tế gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp và tự thực hiện. Tại dự thảo, bên cạnh 6 hình thức trên, Bộ Y tế đề xuất thêm 2 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở y tế gồm: Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Việc hàng loạt các bệnh viện trung ương thiếu thuốc và vật tư y tế gần đây đã gây xáo trộn công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh (Ảnh minh họa: KT)Loại bỏ gói thầu biệt dược gốc

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo thông tư đấu thầu thuốc, đó là việc loại bỏ nội dung Điều 8, quy định về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Điều này đồng nghĩa trong quá trình đàm phán giá các thuốc biệt dược gốc sẽ không có cơ chế mua sắm và phải đấu thầu chung với thuốc generic. Như vậy, rõ ràng việc cung ứng thuốc biệt dược sẽ gặp khó, khiến tình trạng thiếu thuốc gia tăng. Một câu hỏi được đặt ra là cơ sở nào để đề xuất loại bỏ gói thầu biệt dược gốc?

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, đối với ngành dược chia ra làm hai nhóm thuốc chính. Nhóm thứ nhất là các nhóm biệt dược gốc. Đây là mặt hàng mà đa số các hãng dược đa quốc gia đủ tiềm năng có thể nghiên cứu, phát triển ra những loại thuốc mới. Để làm được điều này tốn kém rất nhiều chi phí đưa ra thị trường. Khi đó họ sẽ có độc quyền khai thác như là biệt dược gốc trong vòng 20 năm. Sau thời hạn 20 năm, những hãng dược mới có quyền mua nguyên liệu và sau đó làm thành biệt dược của riêng hãng mình. Người ta gọi là các mặt hàng này là generic. Rõ ràng đối với một mặt hàng biệt dược gốc sẽ có nhiều lợi thế hơn các loại generic khi họ nắm giữ bí mật về bào chế. Tuy nhiên, nhược điểm của loại thuốc này là giá rất cao.

Do vậy, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu như chúng ta so sánh giữa tác dụng hiệu quả của thuốc biệt dược gốc và thuốc generic rõ ràng thuốc biệt dược gốc chắc chắn sẽ có tác dụng hơn, sẽ tạo độ tin cậy lớn hơn và sẽ được dành cho những trường hợp hiểm nghèo hoặc nặng. Thế nhưng, ở các quốc gia, ngay cả những quốc gia tiên tiến, không chỉ riêng gì Việt Nam cũng vẫn phải có một tỷ lệ hợp lý giữa hai loại thuốc biệt dược - generic. Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc Dự thảo thông tư Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập loại bỏ gói thầu biệt dược gốc không giúp được gì cho các bệnh viện trong quá trình đấu thầu thuốc. Đồng thời việc bãi bỏ này lại làm mất đi khả năng thương thảo ở góc độ quốc gia. “Điều này là không có lợi cho đất nước”. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Có thể thấy, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm kiếm lời giải cho bài toán đấu thầu thuốc, vật tư y tế trước sức ép về thời gian và chất lượng để giúp các bệnh viện đảm bảo đủ thuốc, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng Đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc. Nhưng cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa công bố danh mục các thuốc này nên các cơ sở y tế chưa thể đấu thầu thuốc biệt dược để phục vụ nhu cầu điều trị các ca bệnh nặng. Hơn nữa, công tác đàm phán giá các thuốc còn lại hiện cũng chưa có kết quả. Nguy cơ thiếu thuốc đã hiện rõ và bác sỹ, cũng như người bệnh có nhu cầu sử dụng thuốc sẽ tiếp tục phải chờ đợi đến bao giờ?./.

Bích Ngọc/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận