Bí xanh phá thế độc canh cây lúa

  • 25/08/2022 08:58:30
  • Bùi Chiến
  • Kinh tế
  • 0

Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu sở hữu cánh đồng lớn thứ 3 trong tứ đại cánh đồng miền Tây Bắc. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đất đang là hướng đi đúng, giúp các hộ sản xuất nông nghiệp nơi đây phát triển kinh tế. Trồng bí xanh thương phẩm giúp địa phương phá thế độc canh cây lúa, mô hình này bước đầu khẳng định hiệu quả.

 

Từ những tín hiệu vui

Bí xanh từng là cây trồng quen thuộc ở bản Sen Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên. Thời gian trước, mỗi hộ trong bản thường trồng một vài gốc bí để làm thức ăn dự trữ. Nhưng gần đây, dân bản đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng bí xanh đại trà. Đây là giống bí xanh quả nhỏ, cùi dày, ít ruột. Bí được đầu tư dàn, hệ thống nước tưới khá quy mô và khoa học.

Ông Phan Thanh Sơn, một trong những hộ dân đầu tiên của bản mạnh dạn đưa bí xanh vào canh tác, chia sẻ: “Thấy một số hộ dân ở gần đây trồng khảo nghiệm giống bí xanh Nova 209, tôi đã mày mò học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào sản xuất theo quy mô nhỏ. Vụ đầu tôi trồng 150m2, diện tích không đáng kể, chỉ bằng thửa ruộng nhỏ mà đã cho thu gần 10 triệu đồng”.

                   Hội thảo đầu bờ mô hình trồng bí xanh Nova 209.

Tới thăm các hộ đang tham gia trồng bí xanh Nova 209 tại Sen Đông, Mường Than, Than Uyên, chúng tôi được biết, quá trình trồng bí phải chú trọng hệ thống nước tưới, phòng chống côn trùng đốt khi bí đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Sau thu hoạch, bí dễ bảo quản, vận chuyển, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các giống hoa màu khác. Trồng bí không thể lơ là thăm đồng, chủ động nước tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, không chỉ bà con bản Sen Đông, xã Mường Than, mà một số hộ tại các xã Mường Than, Phúc Than, Mường Kim, Mường Cang cũng đưa bí vào sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ông Phạm Văn Bốn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Than - cho biết, vừa qua, trên địa bàn xã đã trồng 3,5ha bí xanh, bám sát quy trình kỹ thuật, năng suất đạt cao, ước gần 10 tấn/1.000m2. Từ những kết quả đạt được, bà con dân bản khá hào hứng với mở rộng, thâm canh bí xanh. Đây là động lực để xã tiếp tục mở rộng diện tích bí xanh trong thời gian tới.

Tới bài toán liên kết với doanh nghiệp

Cánh đồng Mường Than đất màu mỡ, thủy lợi đảm bảo, các hộ sản xuất nông nghiệp có trình độ canh tác cao và có quốc lộ 32 chạy vắt ngang qua. Đó là một trong những lợi thế cơ bản để phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường. Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì và đơn vị nào sẽ bao tiêu sản phẩm, đó là bài toán mà bấy lâu nay Than Uyên loay hoay tìm lời giải.

Xen canh tăng vụ một số giống rau xanh, hoa màu, các hộ sản xuất nông nghiệp ở Than Uyên đã dần dần làm quen với phương thức sản xuất hàng hóa, khi sản phẩm nông nghiệp của bà con được thị trường đón nhận. Cùng với các giống rau củ, hoa màu khác, bí xanh đang giúp các hộ sản xuất có nguồn thu ổn định, mở lối sản xuất hàng hóa theo hướng hình thành các vùng chuyên canh. Qua vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy, trừ chi phí đầu vào, mỗi năm trồng 2 vụ bí, một ha bí xanh cho thu lãi lên tới 70 - 80 triệu đồng, doanh thu cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây hoa màu truyền thống khác tại địa phương từng phát triển theo hướng thâm canh.

                     Người dân tham quan mô hình trồng bí xanh Nova 209 ở bản Sen Đông, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu.

Việc liên kết, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường với Công ty rau củ quả Ngọc Linh có trụ sở tại thành phố Sơn La đã giúp cho các hộ trồng bí xanh ở Than Uyên thêm yên tâm đẩy mạnh sản xuất. Cùng với bao tiêu sản phẩm, đơn vị còn hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, mọi chi phí đều được thanh toán khi thu hoạch sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên - cho biết: “Việc sản xuất bí xanh trên chân ruộng một vụ góp phần nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng đất. Sản phẩm được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, giúp đầu ra ổn định là một trong những tiêu chí tiên quyết để huyện mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo. Hiện xã Mường Than đã đăng ký xuống giống hơn 10ha. Một số xã có điều kiện canh tác thuận lợi cũng đã thỏa thuận với doanh nghiệp bao tiêu để thống nhất phương án, đẩy mạnh sản xuất với quan điểm, đánh thức tiềm năng thế mạnh của địa phương và cả đôi bên cùng có lợi ích kinh tế”.

Trong cam kết, đơn vị sẽ bao tiêu sản phẩm bí xanh, giống Nova 209 theo giá thị trường. Việc mở rộng diện tích trồng bí xanh giúp các hộ sản xuất nông nghiệp làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. Nâng cao sản lượng bí xanh còn giúp đảm bảo cung ứng cho thị trường rau xanh, đặc biệt tại các khu công nghiệp đang có dấu hiệu đội giá và khan hiếm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận