Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt - góp phần phát triển thị trường trong nước

Hiện số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

 

 90% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mong muốn tham gia chương trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh.

Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%...

Trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, cũng như tác động bởi đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người… buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, trước Covid-19, chỉ có 20% các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số nhưng chỉ sau 6 tháng đã lên đến 70%. Đến năm 2020, 50% các doanh nghiệp đã từng bước thực hiện chuyển đổi số.

“Sự sẵn sàng chuyển đổi số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 90% đều mong muốn được đào tạo được tập huấn được tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Đây là những con số rất đáng mừng, là một động thái đầu tiên về thay đổi nhận thức trong lãnh đạo do phụ nữ làm chủ”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết.

Đến nay, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Hiện Chính phủ đã kích hoạt một nền kinh tế số, một xã hội số và hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy cho chuyển đổi số nhanh hơn bằng Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hưởng ứng định hướng phát triển chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra các đột phá chiến lược như: thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, thay đổi cơ hội kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm vào thị trường, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo bà Linda Percy, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ trong chuyển đổi.

“Dự án sẽ cung cấp các các dịch vụ tư vấn kinh doanh và các chương trình tập huấn để giúp trang bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực chính, gồm liên kết kinh doanh, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tư vấn về chiến lược kinh doanh, sản xuất và thực hành bán hàng cũng như áp dụng các lộ trình được thiết kế riêng của USAID cho chuyển đổi số, gồm cả việc sử dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc xuất xứ và thương mại điện tử”, bà Linda Percy thông tin./.

Nguyễn Hằng/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận