Tính đến hết tháng 7/2022, Việt Nam đón 733 nghìn lượt khách quốc tế, đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm 2019. Để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn.
Du lịch phục hồi lệch
Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), du lịch Việt Nam đang có sự trở lại ấn tượng. Tính đến hết tháng 6, tổng lượt khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2022), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).
Những kết quả đáng mừng của du lịch Việt Nam thời gian qua chủ yếu là từ du lịch nội địa. Còn đối với du lịch quốc tế, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, có những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế và các chỉ số tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên internet… nhưng tính đến hết tháng 7/2022, Việt Nam mới đón 733 nghìn lượt khách quốc tế (gồm khách du lịch và các nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài), chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm 2019.
“Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do đó, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế đang là yêu cầu cấp bách” - ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.
Sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để đáp ứng nhu cầu đi du lịch trở lại của du khách, việc đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao phục vụ đón khách quốc tế được các chuyên gia đánh giá là rất quan trọng và cấp thiết.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực du lịch trong thời gian qua chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng...
Cũng theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, năm 2019 cả nước có trên 2,5 triệu lao động, trong đó 750.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên môn về du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Đáng chú ý, với các cơ sở lưu trú, chỉ có nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo, còn ở nhà nghỉ, homestay... hầu hết nhân lực đều là lao động tự do, không được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Trong đó, lao động trong 3 ngành chịu tác động nặng nhất thuộc về lực lượng đang tham gia dịch vụ tại cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng lưu niệm.
Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy, nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khó khăn vì nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới như tư vấn bảo hiểm hay hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ngành du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay, khi rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ráo riết tìm kiếm lao động.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, muốn xây dựng lại lực lượng lao động chất lượng cao phải tập trung vào sự hài lòng và duy trì sự hài lòng của nhân viên. Hầu hết các khách sạn, nhà hàng đang hoạt động với số lượng nhân viên ít hơn thực tế yêu cầu. Sự thiếu hụt đối với nhân lực ở các vị trí quản lý, giám sát và đặc biệt là nhân viên có tay nghề cao trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, theo dự báo, thời gian tới sẽ có một cuộc cạnh tranh lớn để tìm kiếm nhân lực có trình độ trong ngành khách sạn với chiến lược tuyển dụng linh hoạt, chế độ đãi ngộ cạnh tranh để duy trì lao động chất lượng cao.
Giải pháp phục hồi nguồn nhân lực
Các doanh nghiệp cho rằng, trong tương lai, sau dịch Covid-19, họ cần phải có thay đổi về số lượng và cơ cấu nhân viên để đáp ứng nhu cầu cơ cấu thị trường khách hàng. TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định:
Thứ nhất, các cơ sở lưu trú cần điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, phục vụ; dự đoán và nắm bắt các thay đổi xu hướng, nhu cầu của du khách để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch.
Thứ hai, các cơ sở lưu trú cần hợp tác cùng các chuyên gia, tổ chức giáo dục quốc tế để xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn hóa khu vực và quốc tế. Ngoài ra, ở trong nước, nhiều tỉnh, thành phố, sở du lịch, sở VH-TT&DL và các doanh nghiệp khách sạn cũng đã và đang liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao như tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn với các chuyên đề về kỹ năng quản lý khách sạn, homestay...
Thứ ba, nhiều tổ chức nghề nghiệp trong nước như Hội đồng nghề Du lịch Quốc gia (NTPB) và Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB) được thành lập để quản lý, thẩm định chất lượng, kỹ năng và tính chuyên nghiệp của nguồn lao động trong ngành du lịch./.
“Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch hiện nay gặp nhiều bất cập về cả cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình giảng dạy cũng như đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo. Do vậy, các cơ sở đào tạo cần có sự phối hợp và hỗ trợ tìm nguồn lực đầu tư cũng như nâng cao trình độ ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số để tránh bị tụt hậu”.
GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam
|