Xuất khẩu cuối năm gặp không ít thách thức

  • 08/08/2022 23:17:51
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước. Dự báo, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ gặp không ít thách thức khi các thị trường nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng do lạm phát và suy thoái...

 

Xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7%

6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng đến tháng 7, kim ngạch xuất khẩu có sự sụt giảm so với trước. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước, đạt 30,3 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản (giảm 7,4% so với tháng trước) và nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 7,2% so với tháng trước). Trong đó giảm nhiều nhất là phân bón các loại, giảm 33,3%; sắt thép các loại, giảm 23,3%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giảm 22,6%.

Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược như: Xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giầy dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0,4%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng này.

Điểm sáng trong xuất khẩu là xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản tăng 23,5%, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 83% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 200 tỷ USD (đạt 216,35 tỷ USD) và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao 17%, cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu trong tháng 7, các chuyên gia cho rằng, do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Ngoài ra, do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc giảm mạnh, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất do dịch Covid-19 bùng phát.

Theo dự báo của Bộ Công Thương từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng…

Còn nhiều dư địa xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn…Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, trên 200%.

Nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước. Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Hoà, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết: Hiện tại, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị tại Australia. Mít đông lạnh đỏ và vàng xuất khẩu sang Australia có bao nhiêu bán hết đến đó. Ngoài ra, quả bơ, gừng đông lạnh cũng đang được tiêu thụ tốt tại thị trường này. Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường Australia. Từ thực tế trên, thương vụ đã định hướng được thị trường, xác định được đường đi và cách tiếp cận, xây dựng thương hiệu cho nông sản đông lạnh Việt Nam. Bởi đối tác Australia đánh giá cao hàng hóa của Việt Nam cả về chất lượng và giá thành, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Từ tháng 7, phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam qua 7 cửa khẩu quốc tế đường bộ khu vực tỉnh Quảng Tây; mở cửa thí điểm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:

Đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…), đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Dù thị trường này có tín hiệu nới lỏng điều kiện nhập khẩu hàng hóa, song Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu cần tập trung quản lý an toàn thực phẩm từ đầu nguồn để tránh bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận