Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số

  • 09/08/2022 08:19:54
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) từ sống sót đến đột phá sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp SMEs vẫn còn loay hoay với quá trình này.

 

Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số ngày càng nhiều

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số. Bên cạnh hỗ trợ các SMEs về chuyển đổi số. Đến nay, chuyển đổi số không còn là tầm nhìn, mục tiêu dài hạn, mà đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Điều này có thể thấy thông qua thực tế ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số và ngày càng coi trọng giá trị của của dữ liệu doanh nghiệp.

Nguồn FPT cung cấp.  Gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ của FPT.

Theo kết quả của khảo “Thực trạng Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020 khảo sát trên 400 doanh nghiệp có quy mô vừa và và nhỏ cũng như quy mô lớn cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.... Chỉ trong vòng 6 tháng năm 2021, kết quả đạt được đã bằng gần một nửa số DN chuyển đổi số trong nhiều năm trở lại đây.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu suất công việc, triển khai các mô hình kinh doanh mới, tăng trải nghiệm khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và là cơ sở giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô. Khi dịch Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phát thực hiện các biện pháp dãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Có tới 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi vượt trội trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí, chiếm tỷ lệ hơn 71%, giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) dưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%). Từ đó, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số cao gần bằng tỷ lệ doanh nghiệp đã ứng dụng trong thời gian dài trước đây.

Những thách thức trong chuyển đổi số

Mặc dù có đã có những nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, tuy nhiên do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao nên khó áp dụng chuyển đổi số. Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra chuyển đổi số trong DN còn có nhiều rào cản. Cụ thể, chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ CNTT; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động...

Còn theo FPT Digital, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số ở Việt Nam chỉ đạt mức 22% thua xa Thái Lan (62%), Malaysia là (76%)…. và chỉ hơn được Lào (12%), Campuchia (1%). Năm 2020, tại Việt Nam, hơn 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Đáng nói hơn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa với 97% nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ chưa đủ điều kiện để chuyển đổi số. 92% doanh nghiệp trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số, và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc Kỹ thuật số, PwC Việt Nam chỉ ra, một trong những thách thức chính trong hành trình chuyển số của doanh nghiệp SMEs là sự thiếu hụt về năng lực số. Kết quả khảo sát doanh nghiệp SMEs Việt Nam 2021 của chúng tôi cho thấy chỉ 30% các doanh nghiệp này tự tin vào năng lực số của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam cũng gặp thách thức do tư tưởng ngại thay đổi trong tổ chức. Giống như các cuộc cải cách lớn, doanh nghiệp thường vấp phải phản kháng từ các bên liên quan. 67% DNGĐ tham gia khảo sát trả lời rằng thách thức lớn nhất trong việc triển khai chuyển đổi số đến từ tâm lý ngại thay đổi  trong công ty. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với câu trả lời của các doanh nghiệp SMEs từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (30%) và toàn cầu (29%). Vì vậy, kiến tạo văn hóa doanh nghiệp phù hợp, thúc đẩy sáng tạo và tăng cường đầu tư vào năng lực số sẽ là chìa khóa thành công để doanh nghiệp SMEs chuyển đổi và phát triển.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc Kỹ thuật số, PwC Việt Nam:

Khảo sát doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) 2021 do PwC thực hiện, chỉ có 9% cho rằng DNGĐ Việt Nam tham gia khảo sát tin rằng họ đã hoàn thành công cuộc chuyển đổi số trong khi 81% cho rằng chặng đường này của họ vẫn còn dài.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận