Vì sao giá xăng dầu chỉ giảm nhỏ giọt gần 500 đồng/lít?

Từ 1/8, giá xăng giảm lần thứ 4 liên tiếp nhưng mức giảm chỉ 444 - 462 đồng/lít, ít hơn rất nhiều so với các kỳ điều hành trước đó.

 

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa giảm giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng RON95 giảm 462 đồng/lít, về mức 25.608 đồng; xăng E5 RON92 giảm 444 đồng/lít, về 24.629 đồng. Tương tự, giá các loại dầu (trừ dầu mazut) cũng đồng loạt giảm nhẹ. Mức giảm này được cho là khá "nhỏ giọt" so với biến động giá dầu thế giới.

Ông Đỗ Văn Huy, Phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải chuyên các tuyến Thái Bình - Hà Nội - Quảng Ninh, cho rằng giá xăng dầu kỳ điều chỉnh vừa qua có thể giảm nhiều hơn nếu nhà điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG).

Xăng dầu có thể giảm sâu hơn nếu không trích lập vào quỹ bình ổn giá. (Ảnh minh họa)Cụ thể, tại kỳ điều hành vừa qua, Liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ BOG với xăng E5 RON92 ở mức 800 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), dầu diesel ở mức 450 đồng/lít (kỳ trước là 550 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít) và dầu madut ở mức 787 đồng/kg (kỳ trước là 950 đồng/kg).

Như vậy, nếu kỳ điều chỉnh này cơ quan điều hành không trích lập, giá xăng có thể giảm tới 1.250 - 1.320 đồng/lít và giá dầu diesel cũng có thể giảm 1.400 đồng/lít.

"Việc trích lập ở mức cao với xăng, dầu khiến giá bán lẻ mặt hàng này trong nước không giảm mạnh như kỳ vọng", ông Huy nói.

Trong khi đó, theo cơ quan quản lý, việc vẫn trích lập quỹ BOG với mức cao như trên là vì thời gian vừa qua để bình ổn giá xăng dầu trong nước, quỹ này được sử dụng khá nhiều nên số dư tại một số doanh nghiệp còn âm.

Do đó, kỳ điều hành này, nhằm hỗ trợ cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, liên bộ quyết định giảm mức trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu để tiếp tục giảm giá các mặt hàng xăng dầu và giữ ổn định giá đối với mặt hàng dầu mazut (mặt hàng có biến động tăng so với kỳ điều hành trước).

"Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh", báo cáo của liên bộ nêu.

Liên bộ cũng khẳng định việc tiếp tục khôi phục quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá?

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng vai trò của quỹ BOG với xăng dầu ngày càng mờ nhạt. Diễn biến thị trường gần đây cho thấy quỹ không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Theo chuyên gia, cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ BOG trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ”, ông Trinh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng quỹ BOG đã tồn tại được hơn 10 năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, vai trò của quỹ BOG chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ BOG gần như “hết phép”.

“Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ Quỹ BOG với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, chuyên gia nói.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), chia sẻ với báo chí rằng quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ. Nhưng giá xăng dầu thế giới hiện rất khó đoán, nếu cứ duy trì quỹ BOG xăng dầu thì cũng không có ý nghĩa.

Ông Độ cho biết thêm, về bản chất quỹ BOG được thu từ tiền người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường. Vào các thời điểm giá tăng cao, quỹ BOG là công cụ giúp điều tiết mức tăng giá trong nước sao cho không gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có nhiều thời điểm tăng nóng, liên tục, qũy BOG không bù nổi. Từ đó, chuyên gia cho rằng “nên bỏ quỹ này đi, để giá cả vận hành theo thị trường”.

Tuy vậy, theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là rất khó khi thị trường xăng dầu trong nước chưa thật sự theo kịp thị trường thế giới.

"Nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng có quan điểm muốn bỏ quỹ này. Tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc, bởi nếu muốn bỏ quỹ BOG xăng dầu, cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chia sẻ./.

Hòa Bình/VTC News

 

Bình luận

    Chưa có bình luận