Đề xuất loại 14.120 MW nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch Điện VIII

Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ không đưa vào Quy hoạch Điện VIII 14.120 MW nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

 

Theo Bộ Công Thương, trong tổng công suất 14.120MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch Điện VIII có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600MW; Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) được giao 1.980MW. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840MW.

Bộ Công Thương cho rằng, đối với các dự án do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, rủi ro pháp lý là không có, các chi phí phát triển dự án do các tập đoàn bỏ ra không lớn và cơ bản sẽ được xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định. "Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc loại bỏ các dự án điện than không còn phù hợp nêu trên nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26", Bộ Công Thương đề xuất.

Trong báo cáo gửi Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết đã tính toán với 3 kịch bản phụ tải, phát triển nguồn điện. Trong đó, ở kịch bản phụ tải cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt gần 121.000MW và năm 2045 đạt 284.000MW. Ở phương án này, nhiệt điện than sẽ đạt gần 37.467MW, chiếm 31% vào năm 2030 và giữ nguyên tới năm 2045, chiếm 13,2%.

Ở kịch bản phụ tải cơ sở, nhiệt điện than sẽ đạt gần 37.467MW, chiếm 31% vào năm 2030.

Với kịch bản phục tải cao, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt hơn 134.700MW và năm 2040 đạt 387.875 MW. Trong đó nhiệt điện than vẫn là 37.467MW, chiếm 27,8% năm 2030 và giữ nguyên cho tới 2045, chiếm 9,7%.

Với kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930MW; trong đó nhiệt điện than chiếm 25,7% vào năm 2030 và 9,7% vào năm 2045. Thay vào đó, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được tính toán và đưa phương án thay thế công suất nhiệt điện than bằng khoảng 14.000MW điện khí LNG trong giai đoạn 2030-2045.

Điện gió sẽ được tập trung phát triển mạnh. Ở kịch bản cơ sở, điện gió trên bờ đạt 11.700 MW (chiếm 9,5%) vào năm 2030 và đạt 36.170MW (chiếm 12,7% vào năm 2045. Điện gió ngoài khơi đạt 30.000MW (chiếm 10,5%) vào năm 2045. Tại kịch bản phụ tải cao, điện gió trên bờ đạt 13.921MW vào năm 2030 và đạt 55.950MW vào năm 2045. Điện gió ngoài khơi đạt 64.500MW vào năm 2045.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428MW điện mặt trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành... với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỷ đồng. Việc này được giải thích là để tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư.

Với các dự án điện mặt trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư, tổng công suất trên 4.136MW, Bộ Công Thương đề nghị giãn sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Trường hợp nếu các nguồn điện khác chậm tiến độ, và điều kiện kỹ thuật hệ thống điện tốt hơn, đảm bảo hấp thụ mức độ cao hơn điện mặt trời và an toàn, kinh tế các nguồn điện khác trong hệ thống..., cơ quan quản lý sẽ cân nhắc, báo cáo Chính phủ việc có cần đẩy sớm vận hành số dự án này hay không./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận