Giá lợn tăng nóng, người dân cẩn trọng tăng đàn

  • 21/07/2022 16:28:27
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Mặc dù giá lợn hơi liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng các chuyên gia khuyên người chăn nuôi không nên ồ ạt tăng đàn.

Giá lợn hơi tăng nhưng không đột biến

Theo khảo sát, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc liên tục tăng trong những ngày gần đây, đạt mức từ 70.000 - 72.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thấp hơn không đáng kể, dao động từ 65.000 - 68.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, giá lợn tăng bắt đầu từ đầu tháng 7/2022, tăng từ 12 - 15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích, giá lợn hơi tăng thời gian qua là do giá của các nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng rất cao. Vì thế mặc dù giá lợn hơi tăng nhưng người nuôi chưa có lãi nhiều, thậm chí mới chỉ hòa vốn.

Ông Công đưa ra so sánh, các nước khu vực như Trung Quốc đang có giá lợn hơi khoảng 22 - 23 Nhân dân tệ/kg, tương đương 78.000 - 80.000 đồng/kg. Còn Thái Lan, thị trường nhiều năm qua không bao giờ lợn hơi có giá cao hơn Việt Nam, hiện nay mặt bằng giá cũng chỉ ở khoảng 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Lào và Campuchia cũng có giá khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg. Do vậy, giá lợn hơi hiện tại của Việt Nam là bằng với khu vực chứ không phải tăng đột biến.

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng phi mã thì giá sản phẩm tăng là tất yếu. Với tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 - 4 triệu tấn thịt/năm thì đà tăng của giá lợn hơi lần này sẽ không mạnh, không kéo dài lâu.

Trong công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, thời gian gần đây, giá cổ phiếu nhiều công ty chăn nuôi lợn trên sàn chứng khoán tăng mạnh và thu lợi khủng. Ví dụ như Công ty Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố, tính đến ngày 19/6, doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 531 tỷ đồng. Công ty này đã bán ra thị trường gần 83.000 con heo trong thời gian qua.

Mặc dù vậy, SSI nhận định, kể từ khi mở cửa trở lại, nhu cầu thịt heo chưa tăng mạnh. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam đã giảm trước dịch Covid, từ mức 31,4kg/người trong năm 2018 xuống còn 26,8kg/người trong năm. Vì thế giá lợn sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết. Dự báo giá heo hơi sẽ giữ mức 65.000 - 70.000 đồng/kg trong nửa cuối năm nay, tăng 30% so với cùng kỳ và nửa cuối năm ngoái.

Không nên tăng đàn

Công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022 của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos cho thấy, mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ít hơn so với 5, 6 năm trước. Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn được đảm bảo, cộng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ ổn định ở mức thấp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mặc dù giá thịt lợn đang có xu hướng tăng nhưng người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp; tính toán để đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất, tránh thừa cung.

Về chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao, Thứ trưởng chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần đưa ra những giải pháp có tính lâu dài, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn. Kiến nghị Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, nếu không tình trạng giảm đàn, bỏ chuồng sẽ còn tiếp diễn; đồng thời, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế...

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước cần có giải pháp lâu dài về quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương...), hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp ổn định giá thức ăn chăn nuôi.

BOX: Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 6/2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt khoảng 28 triệu con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.116,3 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đàn lợn đã phục hồi mạnh giai đoạn 2020 - 2021 sau thời gian bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

Bình luận

    Chưa có bình luận